Chờ...

Một triệu túi an sinh hỗ trợ người dân chống dịch

(VOH) - TPHCM đã và đang chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân.

Trước những diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn rất cao, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trước ngày 15 tháng 9, Thành phố triển khai nhiều biện pháp tăng cường, siết chặt hơn, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch" và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, TPHCM đã và đang chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân.

mot-trieu-tui-an-sinh-ho-tro-nguoi-dan-yen-tam-chong-dich-voh.com.vn-anh1
Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thăm hỏi và trao quà cho người dân gặp khó khăn quận Phú Nhuận.

Đã trải qua mấy đợt dịch bùng phát nhưng đợt dịch này, những người bán vé số, công nhân lao động tự do, công nhân các nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa lo lắng hơn cả. Một bộ phận không hề nhỏ buôn gánh, bán bưng, bán vé số dạo ngoài hè phố, nhà đất không, ruộng vườn không, nhiều thứ không. Làm việc, cơm hàng cháo chợ qua ngày, khá phổ biến. Cũng vật lộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, gần 3 tháng nay, gia đình chị Phạm Kim Cương, ngụ số 24/4, đường Chuyên dụng 9, phường Phú Mỹ, Quận 7, từ miền Tây lên Thành phố mưu sinh bằng nghề bán vé số, chồng chị làm thợ hồ, hai con thì còn nhỏ. Mấy tháng nay, không đi bán vé số được, chồng chị cũng không có việc để làm, cả nhà rau cháo qua ngày và đến hôm nay chị phải bán chiếc xe máy - phương tiện làm ăn duy nhất của cả nhà để đóng tiền thuê phòng trọ nhưng vẫn không đủ, lương thực, thực phẩm trong nhà đã cạn kiệt từ lâu, chị gọi cho tổng đài 1022 và ngay trong ngày, cả khu nhà trọ của chị đều nhận được túi quà của Trung tâm An sinh xã hội TPHCM trao tặng.

Chị Kim Cương xúc động: “Em xin đồ ăn sống qua ngày vì bây giờ muốn về quê cũng không được mà ở lại thì tiền thuê nhà không có. Hôm nay em nhận được nửa ký thịt, 5 cái trứng và bịch gạo. Thực sự trong khu nhà trọ của em ai nhận được đồ hỗ trợ cũng muốn rơi nước mắt. Giờ không thể làm ra tiền mà cũng không về quê được. Mấy bữa trước tụi em nhiều khi cũng không có đồ ăn để ăn nữa. Mua thì cũng không có tiền. Bác tổ trưởng có cho tờ giấy để đi chợ nhưng tụi em vẫn không có tiền. Có bữa có gạo thì chỉ đâm muối ớt ăn với cơm”.

TPHCM đã và đang chuẩn bị 1 triệu túi an sinh như vậy để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, mỗi túi an sinh hỗ trợ lương thực thực phẩm và hàng thiết yếu để người dân duy trì cuộc sống từ 5 đến 7 ngày. Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tập hợp một đội tình nguyện SOS, qua tổng đài 1022, có những trường hợp cầu cứu khẩn cấp thì sẽ có đội tình nguyện đem túi an sinh đến tặng gồm: 6 kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước tương, 2 gói bột nêm, 1 kg đường, 4 kg cam, 2 trái bí đỏ. Đối với những hộ có trẻ em, mỗi hộ được tặng thêm 5 lốc sữa tươi.

Anh Trần Khắc Hạnh, tình nguyện viên trong đội SOS thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, người giúp trao những túi quà kể: “Khicnhận được quà thì rất vui, cám ơn rồi khi về đến nhà họ vẫn gọi điện, nhắn tin bày tỏ sự bất ngờ và niềm vui của họ trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, tôi còn trao 3 phần quà cho đội công nhân xây dựng ở trong khu dân cư Bến Lức, họ bị kẹt, hoàn toàn hết lương thực. Họ không biết cầu cứu ở đâu và khi họ biết đến tổng đài 1022 có hỗ trợ cho bà con và ngay trong buổi chiều đã nhận được phần quà thì cũng không tin là thành phố có thể tổ chức được một đội giao hàng đi nhanh đến như thế để hỗ trợ họ kịp thời như vậy”.

Anh Khắc Hạnh tâm sự, cứ 7 giờ 30 sáng là đội của anh có mặt tại Trung tâm An sinh xã hội của TP để nhận thông tin các địa chỉ kêu cứu qua Tổng đài 1022, sau đó đội sẽ đem những túi an sinh đến hỗ trợ tận nhà cho bà con khó khăn. Đây là một công việc không hề dễ dàng gì, bởi vì địa chỉ những khu nhà trọ thường nằm sâu trong các con hẻm ngoằn ngoèo. Hơn nữa, cả ngày luôn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ rất nóng bức, có những hôm trời tối lại mưa to, việc tìm kiếm các địa chỉ rất khó khăn. Tuy nhiên, là người con của tỉnh Hà Nam vào TPHCM học tập và làm việc, Hạnh muốn trả ơn cho Thành phố đã cưu mang mình gần 10 năm qua, dù mệt nhọc, nhưng giúp được bà con mình lúc ngặt nghèo thì niềm vui ấy lại thôi thúc bản thân tiếp tục góp sức.

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết: Trong thời gian tới tình hình dịch diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, cần phải siết chặt hơn và quyết tâm hơn. Muốn như vậy thì đầu tiên chúng ta cần phải làm cho người dân cảm thấy yên tâm bằng những gói an sinh kịp thời đến với người dân TPHCM, đặc biệt là những người khó khăn, công nhân lao động đã mất việc, làm cho họ yên tâm rằng lúc nào cũng có sự san sẻ, chung tay đóng góp của Thành phố thì chúng ta mới mong vượt qua được đại dịch này. Thứ hai là mong được sự hỗ trợ của Chính phủ để giúp cho Thành phố đủ lực, đủ mạnh để phòng chống dịch một cách hiệu quả.

“Trước hết, chúng ta phải chuẩn bị kết nối các nguồn lực để chuẩn bị khoảng 1 triệu gói an sinh. Một triệu gói có thể giúp cho người dân là mình chuyển đến ngay nhu cầu thiết yếu mà người dân đang cần. Thứ hai là các tổ chức tình nguyện để làm sao có thể giúp được đưa những gói an sinh này đến kịp thời. Thứ 3 là cách chúng ta tổ chức lại lực lượng để làm sao từ khu điều trị cho tới lúc người dân bị bệnh hoặc chuyển viện thì các khâu các tầng nấc thông suốt, chỉ có vừa quyết tâm chống dịch, điều trị hiệu quả cũng như đảm bảo trong cái túi an sinh đây là hai yếu tố quyết định hiệu quả chống dịch của chúng ta”, bà Bích Châu cho biết thêm.

mot-trieu-tui-an-sinh-ho-tro-nguoi-dan-yen-tam-chong-dich-voh.com.vn-anh2
Đội tình nguyện SOS của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chuẩn bị quà để đem đến trao tặng cho người dân khó khăn.

Còn về chăm sóc y tế, mới đây Học viện Quân y cử tổng số cán bộ, chiến sĩ được điều động vào TPHCM là 1.400 người. Lực lượng của Học viện Quân y vào TPHCM để triển khai 400 bệnh xá lưu động tại 22 quận, huyện. Họ sẽ điều trị F0 tại nhà, giúp giảm tải cho các bệnh viện dã chiến từ cấp 2 trở lên và giảm tỷ lệ F0 tử vong. Trao đổi với Thứ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ông cho biết: Riêng đối với các ca F0 đang cách ly tại nhà trước mắt sẽ được cung cấp thuốc men, lương thực thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng. Còn F0 có điều kiện hơn thì địa phương hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm để bệnh nhân không ra khỏi nhà. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ một số loại thuốc trong đó có cả thuốc diệt virus và Thành phố sẽ chuẩn bị một gói thuốc trong đó có thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, kháng viêm và thuốc hỗ trợ nâng đỡ sức khỏe, thuốc xịt phòng, xịt mũi để người bệnh an tâm ở nhà.

“Hộp thuốc đó sẽ được phát cho toàn bộ F0 đang điều trị tại nhà và nhân viên y tế ở tại các xã, phường sẽ quản lý và theo dõi. Đồng thời cố gắng làm sao khi bệnh nhân có những triệu chứng trở nặng thì phải tiếp cận ngay với dịch vụ y tế và tất cả các cơ sở y tế từ các tầng trên địa bàn TPHCM đều phải có trách nhiệm kể cả công lập lẫn tư nhân phải tiếp nhận và phân loại các bệnh nhân và chuyển lên tuyến phù hợp ngay khi bệnh nhân phát hiện triệu chứng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Dù đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh nhưng với sự đoàn kết "Chung một tấm lòng" và tinh thần "Chống dịch như chống giặc" cùng sự động viên, ủng hộ quý báu của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân các tỉnh thành trong cả nước hướng về thành phố mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm sức mạnh, động lực vững vàng và tự tin vượt qua đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bình luận