Chờ...

Những tấm gương theo chân Bác Tôn

(VOH) - Mới đây, Liên đoàn Lao động TPHCM vừa thống nhất chọn 10 gương điển hình công nhân, viên chức, lao động để đề xuất trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020.

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, các cấp công đoàn Thành phố luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân viên chức lao động. Qua đó, đã phát hiện được nhiều điển hình tiên tiến trong lao động sáng tạo. Những sáng kiến, giải pháp của họ với giá trị làm lợi lên đến hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tăng độ an toàn hơn cho người lao động, nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập cho người lao động.

Chị Lê Thị Bé Ba, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trực thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, là nữ duy nhất trong 10 cá nhân được chọn trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020. (Ảnh: Mỹ Trang)

Là kỹ sư công nghệ hóa học và thực phẩm, trưởng ca sản xuất Công ty cổ phần TICO, từ năm 2016 đến nay, anh Nguyễn Minh Nhựt, đã có 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị hơn 2,5 tỷ đồng mỗi năm. Chia sẻ về sáng kiến “Giải pháp sử dụng nước thải phát sinh từ quá trình xử lý khí thải đưa vào sản xuất sản phẩm của nhà máy”, là người trực tiếp vận hành hệ thống, anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm giải pháp làm giảm lượng chất thải ra môi trường. Với kinh nghiệm tiếp cận 15 năm trong qui trình sản xuất, anh đã đặt ra phương án thực hiện và đăng ký sáng kiến với công ty. Giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 200 m3 nước sạch hằng năm, giảm được 4% lượng nước thải phát sinh.

Không chỉ hăng say trong công việc, luôn tìm tòi học hỏi, tạo ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật mà với vai trò là một quản lý, trưởng ca sản xuất, anh Nguyễn Minh Nhựt còn luôn tận tâm hướng dẫn, đào tạo cho các công nhân trực tiếp vận hành sản xuất, xem đây như một cách để truyền nghề, truyền ngọn lửa nhiệt huyết mà anh đã nhận từ thế hệ trước cho thế hệ sau: "Để đào tạo một người trưởng thành được phải mất rất nhiều thời gian. Mình muốn họ làm tốt thì mình phải cầm tay chỉ việc luôn, làm dần dần rồi anh em mới quen, cách hướng dẫn của mình là vậy và mình đã hướng dẫn nhiều người lắm. Trong khâu sản xuất, anh em sống với nhau gần gũi, chân tình, môi trường vậy mình rất thích. Người sau thì được người trước hướng dẫn, ngày xưa thì cũng được mấy anh đi trước hướng dẫn, giống như bây giờ mình hướng dẫn lại cho mấy em".

Gắn bó với đơn vị chỉ hơn 10 năm nhưng chị Lê Thị Bé Ba đã gởi hết tâm huyết vào công việc ươm tạo doanh nghiệp, tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố. Bằng nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến của mình, chị đã góp phần làm lợi trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Điển hình có thể kể đến là sáng kiến, cải tiến “Qui chế quản trị tài sản trí tuệ cho Trung tâm Ươm tạo và các doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại Trung tâm”. Mục tiêu của sáng kiến là nhằm quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tham gia ươm tạo, đối với các vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ trong các mối quan hệ nội bộ của doanh nghiệp tham gia ươm tạo và giữa doanh nghiệp ươm tạo với các bên có liên quan, trên tinh thần tuân thủ pháp luật Sở hữu trí tuệ. Qua đó, quy chế thiết lập một khung ứng xử tại doanh nghiệp ươm tạo liên quan đến việc nhận diện sự phát sinh các Sở hữu trí tuệ, xác lập quyền sở hữu và ghi nhận quyền nhân thân đối với các Sở hữu trí tuệ, tổ chức quản lý và khai thác các Sở hữu trí tuệ, phân bổ lợi ích do các Sở hữu trí tuệ mang lại, khen thưởng và xử lý vi phạm về Sở hữu trí tuệ. Đây có thể nói là một giải pháp hạn chế tối đa những thiệt hại, mất mát do việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra đối với các doanh nghiệp ươm tạo.

Chị Lê Thị Bé Ba chia sẻ: "Thường các bạn có ý tưởng nhưng lại không bảo hộ ý tưởng của mình, và tình trạng bị mất cắp ý tưởng hiện nay diễn ra rất nhiều, cho nên, trong thời điểm hỗ trợ khởi nghiệp, tôi nhìn thấy rất rõ chuyện đó, cho nên có ý tưởng khuyến khích các bạn khi khởi nghiệp nên đi bảo hộ ý tưởng của mình. Sau khi đăng ký sáng chế và bảo hộ được sẽ chuyển giao công nghệ được và doanh thu của bạn sẽ khác hẳn so với các bạn chưa đăng ký. Nhiều khi cũng gặp khó khăn lắm, nhưng động lực tinh thần ở đây là các doanh nghiệp khởi nghiệp có những sản phẩm mà mình cảm thấy tâm đắc, sản phẩm ra thị trường được mọi người chấp nhận, phục vụ được cho nhu cầu xã hội. Mình thấy đó như là đứa con tinh thần để mình có động lực tiếp tục phấn đấu".

Tiếp xúc với anh Vũ Huy Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Gò Vấp chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, khiêm tốn nơi anh. Phía sau sự khiêm tốn đó là một trái tim nóng bỏng, nhiệt huyết với nghề. Anh cho rằng, với đặc thù công việc của mình, bản thân cảm thấy phải luôn vận động, phải luôn học hỏi, tìm tòi những cái mới thì mới có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của công việc. Chính những suy nghĩ này mà chỉ tính trong 5 năm gần đây, anh đã có 7 sáng kiến, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị hơn 2 tỷ đồng mỗi năm. Với vai trò là chủ tịch công đoàn, anh Vũ Huy Tuấn luôn gần gũi, gắn bó với đoàn viên, người lao động, chủ động trong các phong trào, kịp thời đề xuất việc chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Với anh, không ngừng học hỏi, phấn đấu trong công việc, lắng nghe đồng nghiệp là câu chuyện hàng ngày và rất đỗi bình thường: "Những việc này đều xuất phát từ công việc thực tế thôi, trong quá trình làm việc, bản thân luôn suy nghĩ ra những cách làm hay, làm sao mang lại hiệu quả là câu chuyện phải suy nghĩ hàng ngày. Còn với vai trò là chủ tịch công đoàn thì hằng năm chủ động phối hợp với ban lãnh đạo công ty phát động các phong trào thi đua tại đơn vị, cụ thể như phong trào phát huy sáng kiến, các phong trào thi đua, rồi chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động".

Đây chỉ là 3 trong số 10 cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020. Một giải thưởng gắn liền với người anh cả của giai cấp công nhân Tôn Đức Thắng, là đỉnh cao của phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo tôn vinh những kỹ sư, công nhân đang lao động, làm việc ở các ngành trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tiếp tục truyền lửa, sự đam mê lao động sáng tạo trong công việc, sự nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn, truyền nghề cho công nhân trẻ, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển bền vững.

Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 29/8/2020.

Huệ Như

Bình luận