Chờ...

Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn TPHCM

(VOH) -  Sản phẩm du lịch của TPHCM đã phong phú hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, muốn thu hút và giữ chân du khách lâu hơn, Thành phố cần tập trung đến phát triển chất lượng hơn là số lượng.

Đó là việc xây dựng môi trường du lịch sạch, xanh, thân thiện và an toàn cho du khách. Đây là ý kiến được đưa ra tại Chương trình Phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền Thành phố vừa diễn ra sáng 28/7tại Đài TNND TPHCM với chủ đề “Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn TPHCM”.         

Đối thoại chính quyền Thành phố, sản phẩm du lịch trên địa bàn TPHCM

Buổi trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền TPHCM tại Đài Tiếng nói nhân dân TPCM (VOH) vào sáng ngày 28/7/2018. Ảnh: K.H

Các vị khách mời đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ và trao đổi nhiều ý kiến xác đáng nhằm tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tại TPHCM. Đại diện Sở Du lịch cho biết, với chủ trương và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, thời gian qua TPHCM đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch, nhiều sự kiện, lễ hội đã diễn ra để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm phải vừa đặc trưng, vừa đa dạng.

“Đặc trưng để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của TP; đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các thị trường và thỏa mãn thị hiếu của nhiều du khách. Trên quan điểm đó, chúng tôi xác định một số nhóm sản phẩm chủ đạo cần tập trung và ưu tiên phát triển như: Du lịch văn hóa lịch sử; đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân thành phố cũng là một yếu tố văn hóa khá thú vị. Các loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm, giải trí, ẩm thực… cũng là những thế mạnh mà thành phố sẽ hướng đến để khai thác lợi thế là một trung tâm kinh tế văn hóa - giáo dục - khoa học kỹ thuật của cả nước”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết.

Ở góc độ là nhà tổ chức tour, bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Benthanh Tourist cho rằng, sản phẩm du lịch của TPHCM đã phong phú hơn rất nhiều. Thế nhưng, điều mà bà trăn trở hơn là việc giữ chân du khách. Thực tế tồn tại nhiều năm qua là tình trạng quá tải ở các điểm tham quan, vệ sinh môi trường không được chú trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến du khách. “Cần xây dựng môi trường du lịch sạch, xanh thân thiện và an toàn cho du khách. Đồng thời cũng thay đổi nhận thức du lịch trong từng người dân Việt Nam. Để làm được điều này tôi nghĩ rằng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền sở tại với người dân và những doanh nghiệp làm du lịch”, bà Thanh góp ý.

Trong số các sản phẩm du lịch được chú trọng, ưu tiên đầu tư phát triển, TPHCM đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của loại hình du lịch này thực sự chưa như mong đợi bởi những hạn chế nhất định của nó, như cảnh quan hai bên bờ sông, kênh rạch còn nghèo nàn, nhếch nhác; thiếu hệ thống cầu tàu, bến bãi để tạo thuận lợi cho việc đón, trả khách. Thính giả Lê Nhựt Quang Trinh, quận 1 kiến nghị dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên có những hình thức gì đó để du khách đi trên đường sông có thể thư giãn, ngắm cảnh, chứ nếu trên tuyến này hiện nay, chỉ thấy hai bên bờ kè toàn là những cọc bê tông, kém hấp dẫn du khách, không có lãng mạn, sinh động. Ngồi trên tàu thuyền cũng không có các hoạt động vui chơi giải trí gì khác ngoài nghe đờn ca tài tử.

Trả lời kiến nghị về nội dung này, Sở Du lịch cho biết, sẽ đề xuất Sở Giao thông vận tải cho xe buýt điện hoạt động trên tuyến đường này, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhiều vào việc tôn trọng cảnh quan. Ông Hà Thanh Sơn, Phó Phòng quản lý giao thông thủy, Sở GTVT, cho biết thêm: Về đầu tư phát triển hệ thống cảng bến thủy nội địa phục vụ du lịch, đối với du lịch đường thủy nội địa, Thành phố đã thực hiện đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng, bến thủy nội địa khu du lịch. Hiện đã có 11 bến được Thành phố đầu tư, trải rộng trên địa bàn thành phố, vị trí nằm ở các điểm, khu du lịch thuộc địa bàn các quận 6, 8, 9, Bình Thạnh Nhà Bè. Hiện Thành phố cũng đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư 10 bến thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn các quận: 2, 4, Bình Thạnh, Củ Chi và Cần Giờ. Sắp tới, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống cảng bến thủy nội địa phục vụ du lịch đường thủy, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa để phát triển du lịch đường thủy.

Cũng góp ý cho việc phát triển du lịch TPHCM, thính giả Lê Diệu Lý, quận Phú Nhuận, đề xuất: "Đối với khách du lịch đầu tiên là an toàn. Đây là điều trên hết, sau đó đến vệ sinh môi trường và đến các điểm vui chơi giải trí. TPHCM phấn đấu là thành phố thông minh mà mình không giữ được an toàn cho khách thì sẽ có hiện tượng khách đi một lần và không quay lại. Thứ hai là vấn đề vệ sinh môi trường: tuy là đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là hệ thống nhà vệ sinh công cộng vẫn chưa phổ biến và vẫn chỉ phục vụ ở các sự kiện là chính. Làm nhà vệ sinh công cộng thì vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Thừa nhận thực trạng mà cử tri vừa nêu, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, Thành phố đã và đang tiếp tục có sự đầu tư nhiêu hơn, không chỉ ở trung tâm TPHCM, mà sẽ kêu gọi xã hội đầu tư để giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường Thành phố. “Về vệ sinh môi trường - đây là vấn đề mà thời gian qua thành phố chúng ta rất là quan tâm. Ngành du lịch chúng tôi cũng rất là mong muốn quý thính giả nghe đài hãy cùng chung sức với chúng tôi trong chiến dịch giữ gìn vệ sinh cho TPHCM để trước hết, chúng ta vì môi trường sống của chúng ta là trước tiên, sau đó sẽ tạo ảnh đẹp cho du khách để từ đó nâng cao vị thế và hình ảnh của TP trong mắt du khách, từ đó sẽ thu hút nhiều du khách hơn đến và tham quan”, bà Hoa nói.

Cùng với sự chuyển động chung của ngành du lịch cả nước, du lịch TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục có sự phối hợp với các quận huyện để thống kê, đánh giá tài nguyên du lịch hiện có, đưa vào chiến lược quy hoạch tổng thể về du lịch TPHCM. Trên cơ sở đó, các quận huyện sẽ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết từ những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên kết hợp với những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, những nhà truyền thống, đền tưởng niệm và những di tích tâm linh ở chùa Hội Sơn, chùa Bửu Long cùng với các khu vui chơi giải trí, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, nhà Việt Nam… sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nhà vườn nghỉ dưỡng trên địa bàn UBND quận 9, như vườn tham quan nghỉ dưỡng, tạo thói quen việc việc làm và tăng thu nhập cho nông dân địa phương; Thu hút nguồn nhân lực đầu tư và các thành phần kinh tế thế giới dũ đã có nhiều hộ gia đình đầu tư cải tạo trồng mới cây trái xum xuê.

Kết luận buổi đối thoại, ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP nhấn mạnh: “Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị các đơn vị tham gia chương trình, ghi nhận đầy đủ các ý kiến, phản ánh, góp ý, hiến kế giải pháp của các đơn vị, của cử tri, của quý thính giả để xây dựng và bổ sung vào chương trình đơn vị mình, để cùng nhau liên kết, phối hợp, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố đúng trọng, tâm trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã xác định: du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đạt được tỷ trọng trên 11% trong tổng thể GRDP của Thành phố. Muốn đạt mục tiêu đó, chúng ta phải nhanh chóng ban hành chiến lược phát triển du lịch, tăng cường sự liên kết, phối hợp với các đơn vị các địa phương, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, các cầu tàu, bến bãi, đầu - cuối tuyến phải đảm bảo việc phát triển và đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp an toàn cho du khách”.

Bình luận