Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời VOH.
*VOH: Thưa bà, thực trạng mại dâm tại TPHCM hiện nay diễn biến ra sao?
Bà Huỳnh Lê Như Trang: Thời gian qua, các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, thiếu lành mạnh gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn. Phát sinh nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ núp bóng để hoạt động mại dâm.
Hoạt động mại dâm ngày càng đa dạng với nhiều phương thức khác nhau như: mại dâm ở tụ điểm công cộng; trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong khu biệt thự, nhà ở, căn hộ cao cấp; tour du lịch; “gái gọi” không thông qua môi giới cũng có chiều hướng gia tăng.
Một số đối tượng hoạt động mại dâm lợi dụng công nghệ và các trang mạng Internet, sử dụng các nhóm kín, diễn đàn kín với độ bảo mật cao để hoạt động, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Để khám phá các tổ chức mại dâm này, cán bộ tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm phải có trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học cao.

*VOH: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp gì đối với tình trạng này, thưa bà?
Bà Huỳnh Lê Như Trang: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương - đặc biệt là ngành Công an - tổ chức hiệu quả Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 – 2025.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội và các biện pháp khác trong phòng, chống mại dâm, bảo vệ thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lấy phòng ngừa là trọng tâm, kết hợp với phòng, chống tệ nạn ma túy và phòng, chống nhiễm HIV/AIDS. Tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người hoàn lương. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phòng ngừa mại dâm tại địa bàn cơ sở.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố tội phạm liên quan đến mại dâm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

*VOH: Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 20 năm, nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Bà có đề xuất gì để phù hợp hơn trong tình hình mới?
Bà Huỳnh Lê Như Trang: Một số nội dung của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ban hành năm 2003 không còn phù hợp với thực tiễn. Các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe, nên việc phòng, chống tệ nạn mại dâm càng trở nên khó khăn hơn.
Kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các Bộ, ngành sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn các nội dung chi và mức chi cho hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, nhằm phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ người bán dâm chuyển đổi hành vi.
*VOH: Chính sách đối với người bán dâm muốn hoàn lương sẽ được hỗ trợ ra sao, thưa bà?
Bà Huỳnh Lê Như Trang: Việc hỗ trợ đối với người bán dâm chuyển đổi hành vi sẽ tiếp tục được xây dựng, nhân rộng theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
Hình thành mạng lưới dịch vụ hỗ trợ sức khỏe; phòng, chống bạo lực; hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Những nơi này có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước và một số nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.
Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn... nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. Triển khai các kế hoạch về an sinh xã hội; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS tại địa phương lồng ghép với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
*VOH: Xin cám ơn bà!