Chờ...

Sở, ngành làm rõ các vấn đề về cơ cấu thành phần kinh tế; phân loại rác tại nguồn

(VOH) - Tại ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 9 HĐND Thành phố khóa IX, đại diện các Sở, ngành giải trình làm rõ các vấn đề về cơ cấu thành phần kinh tế; phân loại rác tại nguồn, cống thoát nước...

Liên quan đến con số 352.000 doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 90% trong cơ cấu các thành phần kinh tế mà đại biểu đề cập, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố -  Sử Ngọc Anh, Thành phố cần quan tâm hỗ trợ, nâng cao chất lượng, tăng tính liên kết giữa khối doanh nghiệp này với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Những công nhân thoát nước phải làm việc trong những cống ngầm. Ảnh: Dân Trí 

Công việc thường ngày của các công nhân thoát nước đô thị TP HCM.  Ảnh: Dân Trí 

6.000 tấn rác chuyển sang đốt phát điện

Về phân loại rác tại nguồn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng, cho biết hiện khu dân cư đang triển khai phân làm 2 loại chất thải cơ bản: chất hữu cơ và chất thải còn lại đi kèm với hai loại bọc màu xanh và xám, thiết kế hơn 3.700 thùng rác không gây ô nhiễm môi trường, tính toán chuyển đổi loại xe rác.

Về khâu xử lý, Thành phố đang thẩm định duyệt phương án với 6.000 tấn rác chuyển sang đốt phát điện… Hiện rác sinh hoạt có hơn 8.700 tấn/ngày, rác thải ra 2.300 tấn/ngày ở các vị trí, dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 10.100 tấn. Lượng rác này nếu không được thu gom thì sẽ gây ô nhiễm môi trường.

“Việc tập trung xử lý rác nơi công cộng là vấn đề Thành phố đặt ra rất nhiều. Trước đây, theo nghị định 79, bốn hành vi xả rác thì xử phạt mức thấp nhất là 500 ngàn đồng, cao nhất là 700 ngàn đồng. Hiện Nghị định 155 mức xử phạt lại 500 ngàn đồng, cao nhất là 7 triệu đồng”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Đại biểu Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính Thành phố ủng hộ với đề xuất dùng chính số tiền xử phạt xả rác nơi công cộng cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

“Số tiền xử phạt dùng hết cho vấn đề này, không dùng cho việc khác để thay đổi hành vi và tạo nên một phong trào ý thức cho người dân. Thậm chí, kinh phí phạt nếu không đủ thì cũng có thể trích một phần kinh phí khác”, đại biểu Phan Thị Thắng nói.

Đối với vấn đề về vệ sinh cống thoát nước, vệ sinh rác vỉa hè, kiểm soát lượng rác không xuống cống và nạo vét, theo ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Thành phố hiện có 4.300 cống thoát nước, trên 1.000 cửa xả, có 81 triệu m vuông vệ sinh vỉa hè với 31 tuyến đường. Toàn bộ hệ thống quốc lộ 1, 22, đại lộ Võ Văn Kiệt… đều được vệ sinh bằng máy, một tháng làm sạch tuyến quốc lộ 4 lần.

“Liên quan đến cửa xả, vừa qua với 68.000 cửa xả qua rất nhiều thời kỳ, các mẫu thiết kế, có tình trạng để rác, bùn xuống cửa xả hố ga, không ngăn được mùi. Vừa qua UBND TP triển khai thí điểm ứng dụng một số công nghệ để ngăn mùi, rác xuống”, ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm.

Bình luận