Chờ...

TPHCM ứng dụng công nghệ trong quản lý ngập

(VOH) - Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ TPHCM trong việc ứng dụng công nghệ để quản lý ngập lụt.

Ngoài việc hỗ trợ TPHCM trong việc xây dựng đô thị thông minh, lập quy hoạch tổng quan thành phố Thủ Đức; hỗ trợ phát triển đô thị xanh, giao thông xanh…, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Thành phố xây dựng nền tảng theo dõi, quản lý ngập trực tuyến để hỗ trợ các nhà lãnh đạo, quản lý ra quyết định xử lý ngập một cách hiệu quả.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG) - Công nghệ không gian địa lý hỗ trợ ra quyết định” do Ngân hàng Thế giới phối hợp với các đơn vị tổ chức vào ngày 27/4.

Hội thảo, Ứng dụng Công nghệ, Quản trị Tài sản công
Các đại biểu tham gia Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG) - Công nghệ không gian địa lý hỗ trợ ra quyết định"

Ứng dụng công nghệ trong quản lý ngập

Bà Trần Thị Lan Hương - Chuyên gia Quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng thế giới đang phối hợp với một số địa phương như TPHCM, Long An, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng… để triển khai các sáng kiến ứng dụng công nghệ để quản trị tài sản công, từ đó tối ưu hóa giá trị của các tài sản công, của cơ sở hạ tầng (cầu, đường, đất đai…).

Tại TPHCM, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ thành phố nhiều hoạt động, trong đó có việc xây dựng nền tảng theo dõi, quản lý ngập trực tuyến và hỗ trợ các cán bộ quản lý trong việc ra quyết định xử lý ngập…

Theo Trung tâm Quản lý và Vận hành Hạ tầng kỹ thuật TPHCM, trong thời gian qua, việc kiểm soát ngập được thực hiện thủ công là chính. Thông tin về hiện trạng ngập được cập nhật qua tin nhắn, zalo sau đó được đưa vào bảng biểu một cách thủ công và lưu trữ rời rạc…

Với sự tư vấn và hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, Trung tâm Quản lý và Vận hành Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đang xây dựng thử nghiệm nền tảng công nghệ theo dõi, quản lý ngập lụt trực tuyến. Nền tảng này sẽ tích hợp các dữ liệu ngập lụt (do các cán bộ kỹ thuật làm việc trong các cơ quan quản lý hạ tầng của thành phố, quận huyện cập nhật liên tục) với các dữ liệu khác về khí tượng, thủy văn... Từ đó, nền tảng sẽ tự tách lọc dữ liệu, thống kê và đưa ra những phân tích, báo cáo cụ thể theo thời gian - để dựa vào đó người quản lý sẽ đưa ra quyết định, giải pháp xử lý phù hợp.

Trên nền tảng này, việc số hóa dữ liệu về hạ tầng chống ngập đang được cập nhật. Ví dụ, riêng tại TP Thủ Đức, hiện 29 điểm ngập và khoảng 127 cửa xả, trạm bơm hay tuyến cống đã được các cán bộ kỹ thuật cập nhật, tích hợp cùng với dữ liệu của Google Earth pro - tạo nên một "bức tranh" tổng thể về tình hình ngập lụt tại địa phương.

Mặc dù, nguồn dữ liệu này vẫn đang trong giai đoạn cập nhật và thử nghiệm nhưng nền tảng kiểm soát ngập sẽ lưu giữ, cập nhật dữ liệu liên tục gần như tức thì về tình trạng ngập lụt và cơ sở hạ tầng chống ngập của TPHCM.

Ông Kai Kaiser - Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Chuyển đổi kỹ thuật số không đơn giản là chụp các văn bản giấy thành văn bản điện tử, quan trọng nhất là chúng ta sử dụng được các dữ liệu không gian để biết con đường nằm ở đâu, tình trạng ngập lụt ra sao, ngập lụt ảnh hưởng tới con đường hay hệ thống cống như thế nào…

Nếu mỗi người chỉ làm việc dựa trên nguồn dữ liệu của riêng mình sẽ không mang lại nhiều giá trị nhưng khi kết hợp nhiều nguồn/lớp dữ liệu (chẳng hạn như dữ liệu ngập lụt, dữ liệu đường bộ…) sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu cụ thể, đa tầng – từ đó, giúp ích rất nhiều cho các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp quy hoạch ngắn hạn, dài hạn - các quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng một cách hiệu quả hay cụ thể nhất là kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó nhanh khi có tình trạng ngập nước…”

Làm thế nào chuyển đổi số hiệu quả?

Hỗ trợ xây dựng ứng dụng công nghệ để quản lý ngập lụt chỉ là một trong nhiều dự án hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi số quan trọng trong khuôn khổ Chương trình Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG) do Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) phối hợp với các đối tác đổi mới công nghệ trong và ngoài nước thực hiện tại Việt Nam hiện nay.

Theo bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Danh mục dự án khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới, các địa phương đang phải đối mặt với thách thức như đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường – đòi hỏi phải có cách thức quản lý đổi mới và sáng tạo hơn để duy trì được sự phát triển và giải quyết các thách thức trong đó có thách thức về quản lý tài sản công, như quản lý cơ sở hạ tầng, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng…

Chính vì vậy, theo bà Stefanie Stallmeister: “Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ không gian địa lý… vào quản lý sẽ giúp công việc quản lý trở nên tốt hơn, tận dụng được các nguồn lực có sẵn để phát triển bền vững hơn. Các công nghệ mới trong giai đoạn hiện nay có thể giúp chúng ta rất tốt và khi ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ này trong quản trị tài sản công (thay thế cho cách quản lý trên giấy tờ), các cơ quan chức năng sẽ có thể sử dụng dữ liệu để quản lý và giải quyết nhiều vấn đề lớn của quốc gia – chứ không chỉ trong vấn đề kiểm soát ngập”.

Dữ liệu ở đây chính là thông tin về dữ liệu nền, dữ liệu về quy hoạch giao thông, về quản lý đất đai, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng… Để phát triển theo hướng đô thị thông minh, các dữ liệu này cần sớm được số hóa, phân tích để thành phố có thể đưa ra các quyết định cho đầu tư, phát triển đúng đắn, chẳng hạn như đầu tư cho hạ tầng giao thông mới ra sao, bảo dưỡng hạ tầng giao thông hiện tại như thế nào…

Và để làm được điều này, không chỉ TPHCM mà các địa phương cần làm tốt 3 thành tố chính: “Thứ nhất là Con người (People) - cần nâng cao kỹ năng, kiến thức về công nghệ số của chính các cán bộ công chức, viên chức thành phố. Thứ hai, Quy trình (Process) - cần có các quy trình vận hành phù hợp và thứ ba là Công nghệ (Technology) - xây dựng hệ thống kết nối, lưu trữ dữ liệu, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong quản lý dữ liệu” – bà Trần Thị Lan Hương khẳng định.

Các nhà lãnh đạo với tầm nhìn xa của chính quyền cấp tỉnh và thành phố ở Việt Nam đang hướng đến chuyển đổi số và công nghệ đột phá để giải quyết tốt hơn thách thức quản trị tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự gắn kết giữa các dự án ứng dụng Công nghệ thông tin, các sáng kiến công nghệ tinh vi hơn như Trí tuệ nhân tạo/Cách mạng công nghiệp 4.0/Đô thị thông minh, các dữ liệu sẵn có với chuyển đổi số trong khu vực công theo hướng mang lại kết quả thực tế trong ngắn hạn đến trung hạn.

Do đó, Ngân hàng Thế giới sẽ kết nối các sáng kiến đổi mới của địa phương với kinh nghiệm thực tiễn, quy trình, kỹ năng và dữ liệu để các địa phương nhận ra giá trị của công nghệ số trong chuyển đổi quản lý tài sản công của chính phủ, từ đó sẽ có sự thay đổi và chuyển đổi phù hợp với sự phát triển chung của khoa học công nghệ.

Thông qua chương trình Ứng dụng Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công, Ngân hàng Thế giới hướng tới mục tiêu thiết lập những chương trình hợp tác cụ thể với TPHCM cùng các tỉnh, thành phố ở Việt Nam áp dụng công nghệ đột phá giải quyết các vấn đề đô thị cấp bách mà các địa phương đang phải đối mặt. Đồng thời xác định những lĩnh vực cụ thể tại từng địa phương có thể áp dụng công nghệ không gian địa lý để cải thiện các tác nghiệp hàng ngày trong quản trị hạ tầng công, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý.

Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG) - Công nghệ không gian địa lý hỗ trợ ra quyết định” do Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn và Khu Công nghệ Phần mềm thuộc ĐHQG-TPHCM đồng tổ chức.

Tại hội thảo, đại diện một số tỉnh, thành đã trình bày các sáng kiến ứng dụng công nghệ đổi mới quy trình quản trị cơ sở hạ tầng công, tài sản và đất đai đang được triển khai tại địa phương.

Các sáng kiến điển hình bao gồm nền tảng theo dõi ngập lụt trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định tại TPHCM, ứng dụng Ur-Scape trong tác nghiệp quản trị tài sản công, ứng dụng viễn thám trong giám sát sụt lún đất tại TPHCM, cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian tại TP.Huế...

Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG) - Công nghệ không gian địa lý hỗ trợ ra quyết định” được tổ chức tiếp nối hội thảo tập huấn về ứng dụng UR-SCAPE được tổ chức vào tháng 12/2020 trong giai đoạn khởi động của Chương trình DT4PAG.

Hội thảo hướng đến mục tiêu cuối cùng là xác định các cơ hội hợp tác và hỗ trợ cụ thể mà qua đó DT4PAG có thể giúp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề nhức nhối về quản lý đô thị thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác đổi mới công nghệ trong nước và quốc tế trên phạm công, tư và lĩnh vực học thuật. Hội thảo sẽ đặt nền móng cho việc khởi động đưa DT4PAG vào triển khai trong những năm tới.

Bình luận