Chờ...

Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GRDP của thành phố

(VOH) - Theo đề án, TPHCM sẽ giảm được 2 quận và 10 phường. Dự kiến sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của thành phố và chiếm khoảng 7% GDP của cả nước.

Sáng nay 19/9, Bộ Nội vụ và UBND thành phố tổ chức họp, tiếp thu, lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương về 2 đề án: Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM (2019-2021).

Theo sự sắp xếp này, TPHCM sẽ giảm được 2 quận và 10 phường. Dự kiến sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của thành phố và chiếm khoảng 7% GDP của cả nước.

Thành phố Thủ Đức

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được TPHCM ấp ủ từ 2007, được tiếp tục điều chỉnh bổ sung 2013, thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật vững chắc nên chưa thể triển khai được. Trên cơ sở các quy định hiện hành, nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời để thúc đẩy sự phát triển của TPHCM trong giai đoạn mới. TPHCM đã triển khai xây dựng 2 đề án, đó là: Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM (2019-2021), trong đó bao gồm đề án thành lập Thành phố Thủ Đức. Đề án này được các Bộ, ngành ủng hộ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc lấy ý kiến cho 2 đề án là rất quan trọng

Về Đề án không tổ chức HĐND quận, phường trước đây, giai đoạn 2009-2016, TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, là địa phương có số lượng thí điểm nhiều nhất. Thực tiễn cho thấy, khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, việc thực hiện quyền dân chủ nhân dân được đảm bảo, trong đó, điểm nhấn là đã tinh gọn được bộ máy, tiết kiệm được ngân sách, khắc phục được sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.

“Qua quá trình thí điểm khi TPHCM không có HĐND quận, huyện, phường, đã không ảnh hưởng đến kết quả, nhiệm vụ thực hiện kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thành phố, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính”.

Việc Thành phố tiến hành xây dựng Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại TP.HCM trên diện rộng với 24 quận, huyện, 259 phường để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.

“Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường tại TPHCM, tôi thấy các đồng chí cũng đã chuẩn bị tương đối, kể cả bố cục, quy trình, thủ tục, hồ sơ, các bước tiến hành. Tính kể cả khi thành lập thành phố Thủ Đức trong đề án này, sau khi sắp xếp lại, hiện nay TPHCM có 24 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 19 quận và 5 huyện, có 322 đơn vị hành chính cấp xã, có 259 phường, 5 thị trấn và 58 xã, sau khi sắp xếp theo đề án này thì chúng ta giảm được 2 quận và 10 phường”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá.

Về cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo UBND cấp quận, phường, ôngTrương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nôi vụ TPHCM đề nghị: “Nếu được cho phép  không tổ chức hội đồng nhân dân ở cấp quận và phường thì như vậy quận, huyện không phải là cấp chính quyền địa phương. Lãnh đạo chỉ có UBND chứ không có Hội đồng nhân dân. Lãnh đạo UBND được cấp trên bổ nhiệm, cấp trên bổ nhiệm là 1 cơ chế, quyết định bổ nhiệm đó là quyết định bổ nhiệm công chức cấp quận trên trở lên và ở cấp phường cũng vậy. Đơn vị hành chính được hoạt động theo cơ chế thủ trưởng,  những người được bổ nhiệm được xem là công chức”.

Cùng với đó, TPHCM đã lồng ghép nội dung đề án thành lập thành phố Thủ Đức vào Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính đơn vị cập huyện, xã giai đoạn 2019-2021, trong đó, đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức. Với vị trí và cơ sở hạ tầng độc lập, nơi đây đủ điều kiện thành lập Khu đô thị sáng tạo phía Đông. TPHCM cần có bước phát triển Thủ Đức từ khu vực nông thôn lên đô thị và phải quy hoạch lại cơ sở hạ tầng nơi đây. Công tác quy hoạch phải được tiến hành song song với phân loại đô thị. Hiện thành phố đang hoàn thiện các thủ tục quy định về quy hoạch chung, chương trình phát triển đô thị để phân loại đô thị.

Thành phố Thủ Đức đóng vai trò là trung tâm triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín, liên kết, nghiên cứu khoa học kỹ thuật công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa, đồng thời, đây còn là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững. Theo đó, đề án thành lập thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận có tổng diện tích hơn 200km vuông, quy mô dân số hơn 1 triệu người, là đề án mà TPHCM ấp ủ từ nhiều năm qua, là mô hình thành phố trong thành phố nhằm giúp nơi đây thành “hạt nhân”, một cực tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Khu vực này sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật, xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Là đòn bẩy, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Dự kiến sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của thành phố và chiếm khoảng 7% GDP của cả nước”, Chủ tịch UBND Thành phố - Nguyễn Thành Phong kỳ vọng.

Cũng theo lãnh đạo Thành phố, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước đảm bảo thống nhất, hiệu quả, để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực nổi trội và vị trí địa lý đặc biệt của Khu Đô thị đổi mới sáng tạo tương tác cao của thành phố gồm 8 trung tâm: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, quận 2, Khu Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm công nghệ cao quận 9, Trung tâm công nghệ giáo dục thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Khu công nghệ sinh thái Tam Đa, khu đô thị tương lai Trường Thọ; Khu vực Tam Đa và lân cận Đại học Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái; cảng quốc tế Cát Lái.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp 3 quận thành đơn vị hành chính cấp huyện mới là thành phố Thủ Đức sẽ tạo cơ hội phát triển toàn diện về kinh tế - văn hóa - xã hội. Sau sắp xếp, sáp nhập với diện tích, quy mô dân số được mở rộng, nguồn lực về đất đai, tài nguyên ược tập trung hơn, khắc phục tình trạng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Trung ương bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương, số lượng đơn vị hành chính giảm sẽ tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở phương gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bình luận