Chờ...

Thành phố Thủ Đức tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững

(VOH) - Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được thông qua.

Thành phố Thủ Đức được thành lập với diện tích tự nhiên hơn 211 km2 và quy mô dân số hơn 1 triệu người. Việc thành lập Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là "hạt nhân" thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TPHCM nói chung và Thành phố Thủ Đức nói riêng. Theo kế hoạch, lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào sáng 31/12 tới đây.

Nói đến Thành phố Thủ Đức thì đây rõ ràng là bước đi tìm tòi của Thành phố trong một điều kiện, mô hình tìm kiếm phương hướng để khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của ba quận, đó là: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Việc thành lập Thành phố Thủ Đức đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của đa số người dân. Ông Nguyễn Ngọc Đồng, người dân định cư lâu năm tại quận Thủ Đức bày tỏ vui mừng: “Tôi hãnh diện là người dân cố cựu ở đây, thế hệ con cháu sau này sẽ được ở Thành phố lớn. Mong rằng thành phố Thủ Đức, cũng như TPHCM sẽ tiến lên một thành phố văn minh, sạch đẹp, và để cho người dân hưởng thụ những lợi ích của xã hội”.

Thành phố Thủ Đức, ngày 23 tháng 12 năm 2020
Ảnh minh họa: PN

Kỳ vọng thành phố Thủ Đức sẽ phát triển đúng hướng, là nơi có không gian xanh, sạch, đẹp và đáng sống, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phường Linh Tây – quận Thủ Đức, cho biết: “Tôi cảm thấy tự hào và rất vui. Hy vọng người dân Thành phố sẽ có ý thức hơn và mong ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa”.

Còn ông Vi Quốc Huyền (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) mong muốn thành phố Thủ Đức sẽ là một thành phố xanh, một đô thị tương tác cao, con cháu được học tập trong môi trường mới tốt hơn và chất lượng hơn: “Được lên Thành phố thì quá mừng, mọi giấy tờ thủ tục đi xin thì gần hơn. Thành phố càng phát triển thì người dân càng được hưởng lợi nhiều, cuộc sống xã hội, học hành con em phát triển, trường lớp được mở nhiều hơn”.

Ông Phạm Hoài Minh Tân – Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận Thủ Đức khẳng định: Việc thành lập thành phố Thủ Đức là chủ trương và động lực rất lớn để thúc đẩy sự phát triển của vùng đất Thủ Đức trước đây cũng như quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức ngày hôm nay. Điều này sẽ tạo điều kiện khơi dậy tất cả tiềm năng của Thủ Đức với vai trò là trung tâm, là điểm kết nối của TPHCM với các vùng kinh tế Đông Nam Bộ, các vùng kinh tế phía Nam cũng như có thể gắn kết với miền Bắc và miền Trung. Rõ ràng, việc thành lập Thành phố Thủ Đức và việc xây dựng Thành phố đô thị giai đoạn hiện nay không chỉ đơn thuần là việc nhập lại ba quận: 2, 9 và Thủ Đức mà còn là việc sắp xếp hành chính, tổ chức lại bộ máy chính quyền phù hợp với sự phát triển, giúp khu vực này tăng trưởng một cách mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, TPHCM đã chuẩn bị rất kỹ cho quá trình xây dựng đề án thành lập thành phố Thủ Đức và đã có những chủ trương lớn như đầu tư tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên; các bệnh viện để tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc tốt hơn; Hình thành các trung tâm như Trung tâm Giáo dục đào tạo ở khu vực Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao, các Khu chế xuất, Khu công nghiệp…Tất cả đều đang theo quá trình phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi để hướng đến sản xuất gắn với chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm góp phần nâng cao trình độ, thu nhập của nhân dân.

Việc quy hoạch hợp lý hạ tầng giao thông; Văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư đồng bộ… sẽ chính là niềm tin vững chắc và hiện hữu để người dân yên tâm vui sống trong thành phố mới. Vì vậy, một trong những vấn đề cần được quan tâm khi xây dựng thành phố Thủ Đức đó là việc cần chú trọng phát triển hạ tầng đô thị, giao thông đồng bộ. Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc quy hoạch – cho rằng: “Trong chuyện này người xứng đáng được hưởng lợi ích đầu tiên sẽ là người dân quận 2, quận 9, Thủ Đức, họ sống nơi đây lâu năm. Việc phát triển phía Đông này, cho dù có nói có làm những khu đô thị mới, những dự án mới, tôi nghĩ là trong chương trình phát triển đô thị mới, thì luôn luôn phải có trích ngân quỹ 10, 20% để chỉnh trang các khu lân cận, vì đây là điểm đi song đôi, bởi vì chúng ta không thể phát triển một đô thị thế kỷ 21 bên cạnh khu ổ chuột”.

Việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ và những việc liên quan đến quyền lợi của người dân như giấy tờ sở hữu là việc làm cần thiết khi xây dựng thành phố Thủ Đức. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TPHCM: Việc sáp nhập ba quận lại thành Thành phố thì số lượng cán bộ buộc phải giảm xuống. Đây là dịp để chúng ta chọn lọc thật kỹ cán bộ nhằm giúp bộ máy chính quyền của thành phố mới được tinh gọn, hiệu quả. Theo đề án, cán bộ ở Thành phố mới sẽ hỗ trợ dân, chính quyền không thu phí và lệ phí để chuyển đổi giấy tờ với các hộ dân bị ảnh hưởng. Những giấy tờ hiện hữu vẫn còn giá trị nên người dân có thể sử dụng để giao dịch cá nhân. Khi người dân có nhu cầu cần chuyển đổi giấy tờ hoặc nếu có giấy tờ như căn cước công dân mà hết thời hạn sử dụng thì có thể liên hệ với các đơn vị liên quan để đổi. “Khi phát triển Thành phố mới chúng tôi thấy rằng là cần thiết phải triển khai thi hành sử dụng các cơ sở dữ liệu Quốc gia. Từ đó người dân có nhu cầu thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính sẽ không bị ảnh hưởng", luật sư Hậu nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, việc thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP.HCM và 7% GDP cả nước. Với việc thành lập Thành phố Thủ Đức, TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Bình luận