Chờ...

Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCCC

(VOH) - Để tăng cường phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCCC.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TPHCM từ ngày 15/4/2021 đến nay, mặc dù tình hình cháy được kéo giảm nhưng vẫn xảy ra 34 vụ cháy tại các nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm chết 14 người, 10 người bị thương. Trước tình hình đó, Bộ Công an quyết định tiếp tục kéo dài đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Chỉ tiêu đặt ra đến ngày 10/1/2022, 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh phải được tuyên truyền, kiểm tra và ký cam kết đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy; 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất 2 lối thoát nạn, tháo dỡ lồng sắt, lưới, song sắt lắp ở ban công, lô gia.

chữa cháy
Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH chữa cháy nhà dân

Nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM đã ban hành công văn số 4106 /UBND-PCNC gửi các sở, ban, ngành TP; UBND quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tăng cường trách nhiệm triển khai thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh TPHCM, đồng thời ban hành công văn số 4086 /UBND-NCPC gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng phường điểm, khu phố điểm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP.

Tiếp đó, Thành ủy TPHCM đã đưa ra Chương trình hành động số 11-CTrHĐ/TU ngày 09/12/2021 về thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 09/12/2021 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TPHCM.

Đây là 02 văn bản có ý nghĩa quan trọng, có tính định hướng, tính chiến lược, lâu dài đối với công tác PCCC và CNCH tại TPHCM trong thời giạn tới. Nội dung của 02 văn bản đề cập đến những vấn đề chính như sau:

Mục tiêu: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH. Tập trung tiển khai, quán triệt kỹ các nội dung của Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư đến từng chi bộ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân để hiểu và nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH.

Xác định công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiện vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi với phương châm phòng ngừa là chính. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trong về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo quản lý.

Triển khai thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn, thi hành; thực hiện nghiêm túc những văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn và tăng cường trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên trách và lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành đủ năng lực; đầu tư trang bị phương tiện nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến về phòng cháy và chữa cháy, từng bước hình thành, lan tỏa phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy rộng khắp trong toàn TPHCM.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động những quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, cách thức chữa cháy, thoát nạn, cứu người khi xảy ra sự cố về cháy, nổ để nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như hình thành những kiến thức, hiểu biết của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền ở những khu vực, địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao với những nội dung, hình thức và đối tượng phù hợp.

Thường xuyên tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức cấp trên về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn khắc phục triệt để những thiếu sót, vi phạm và xử lý nghiêm minh những vi phạm về phòng cháy và chữa cháy ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, phụ trách.

Thành ủy giao Đảng ủy Công an TPHCM tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân TPHCM những chủ trương, định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cũng như xây dựng lực lượng, nâng cao năng lực phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Thành phố; tham mưu xây dựng, ban hành văn bản tổ chức triển khai thực hiện những chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn thi hành, áp dụng quy phạm pháp luật trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hướng dẫn cơ quan, chính quyền cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp, gắn kết chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy với công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực khác.

Bình luận