Chờ...

Tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ thu hút người dân sử dụng xe buýt

(VOH) - Đài TNND TPHCM phối hợp với HĐND Thành phố vừa tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” với chủ đề “Quản lý và phát triển hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP”.

"Công tác nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt sẽ tiếp tục được quan tâm, tập trung thực hiện trong năm 2022 và những năm tới nhằm thu hút người dân quay lại sử dụng xe buýt” - nội dung này được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng nhấn mạnh tại chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố”, do HĐND Thành phố cùng VOH phối hợp tổ chức, diễn ra vào sáng 26/2, với chủ đề “Quản lý và phát triển hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố”.

tiep-tuc-nang-chat-luong-dich-vu-thu-hut-nguoi-dan-su-dung-xe-buyt-voh.com.vn-anh1
Chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 2/2022: Quản lý và phát triển hệ thống giao thông công cộng diễn ra vào sáng 26/2. (Ảnh: Khiêm Huân)

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố có 126 tuyến xe buýt. Trong đó, 90 tuyến xe buýt có trợ giá và 36 tuyến xe buýt không trợ giá, mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến gần 180 xã phường, thị trấn thuộc 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức, tiếp cận tới 62 bệnh viện và hơn 230 trường học.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết thường xuyên khảo sát mức độ hài lòng của người dân sử dụng xe buýt, và đang từng bước khắc phục, chấn chỉnh những bất cập. Như việc chiếm dụng khu vực đứng chờ xe buýt của hành khách tại các điểm dừng, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho hay, những năm trước đây do nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa các trụ dừng, nhà chờ, bến bãi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2021 Trung tâm đã được giao kinh phí để thực hiện,  cải thiện đáng kể tình trạng này.

Ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng phòng Quản lý Đô thị Thành phố Thủ Đức, cho hay, trong thời gian qua, UBND thành phố Thủ Đức đã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng chiếm dụng khu vực đứng chờ xe buýt của hành khách tại các điểm dừng. "Thông qua việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng qua hệ thống 1022 của thành phố, Ứng dụng quản lý trật tự đô thị thành phố Thủ Đức trên điện thoại thông minh và các kênh thông tin khác, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Qua đó, tình trạng chiếm dụng khu vực đứng chờ xe buýt của hành khách tại các điểm dừng, bày bán hàng nước, đậu xe ôm trong các nhà chờ, kể cả tập kết rác thải… đã được khắc phục rất nhiều", ông Nghĩa thông tin thêm.

Thính giả Thùy Trinh, ở phường Tân Phú, Thành phố Thủ Đức nói: "Tôi ở gần Suối Tiên, thấy xe buýt thường chạy rất nhanh, ẩu, nguy hiểm. Khi mà họ vào trạm hay phóng nhanh, ảnh hưởng nhiều đến những người đi xe máy".

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải phản hồi: "Ý thức trách nhiệm của nhân viên, tài xế, cũng còn một số người chưa tốt, dẫn đến người dân còn phàn nàn, như việc phóng nhanh, vượt ẩu chèn ép người đi đường. Những hành động này chúng tôi đều không chấp nhận, và thường xuyên kiểm tra xử lý. Chúng tôi cũng tuyên truyền để đội ngũ tài xế, tiếp viên có ý thức trong việc phục vụ người dân".

Các thắc mắc của thính giả liên quan đến tuyến metro số 1, của tài xế xe buýt, đại diện cho xã viên hợp tác xã kiến nghị giải quyết tạm ứng trợ giá, tăng chuyến hoạt động hàng ngày… cũng được các lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thông tin, giải đáp rõ ràng.

Từ nay đến 2030, khi các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, xe buýt nhanh chưa hình thành mạng lưới, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh là chủ lực. Mục tiêu giao thông cộng cộng đặt ra đến năm 2025 đáp ứng được thị phần 15% nhu cầu đi lại người dân thành phố, đến năm 2030 là 25%. Để hiện thực hóa các chỉ tiêu như trên, Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” được UBND Thành phố phê duyệt năm 2020 đã xây dựng 03 nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đến năm 2030, với 27 giải pháp. Ông Võ Khánh Hưng cho biết: "Chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề về việc tuyên truyền đến đội ngũ lái xe, tiếp viên về ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ. Chúng tôi thường xuyên tập huấn kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn, đưa những điều kiện về phục vụ thành tiêu chí giữa đơn vị quản lý và các đơn vị vận tải, có cam kết với nhau về vấn đề phục vụ".

Hơn 2 năm qua, xe buýt gặp nhiều khó khăn, tâm lý, thói quen của người dân đi xe buýt cũng thay đổi. Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết, trung tâm đã áp dụng nhiều giải pháp, công tác tổ chức phòng chống dịch đối với lĩnh vực xe buýt được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, lái xe, tiếp viên, hành khách đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Trung tâm chưa ghi nhận trường hợp nào bị lây nhiễm COVID-19 do đi xe buýt.

"Trung tâm đã phối hợp với các chuyên gia ngành giao thông vận tải để có thêm những thông tin về mức độ lây nhiễm COVID-19 trên xe công cộng, nhiều nghiên cứu của thế giới đã đưa ra kết luận tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trên xe công cộng rất thấp. Trên các tuyến giao thông công cộng được tổ chức tốt, nghiêm túc, tỷ lệ lây nhiễm chỉ khoảng 1%", bà Nguyễn Thị Dạ Thảo cho biết thêm.

Phát biểu kết luận chương trình, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TPHCM, ghi nhận, những thông tin chia sẻ hữu ích của cơ quan chức năng và những góp ý sát thực của cử tri: "Những góp ý, những mong muốn, những đề xuất của người dân thành phố trong chương trình hôm nay sẽ giúp cho ngành giao thông vận tải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để thực hiện việc nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, trân trọng những đề xuất, hiến kế của quý cử tri để thực hiện tốt vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông cũng như việc nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng".

Bình luận