Chờ...

Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

(VOH) - Thực hiện quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế gắn với Nghị quyết số 39, thời gian qua, TPHCM đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện của các cấp.

Năm 2015, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Trong 3 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy hoạch, phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh tinh giản biên chế, xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Thực hiện quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế gắn với Nghị quyết số 39, thời gian qua, TPHCM đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện của các cấp. Ảnh: SGGP

Để thực hiện việc tinh giản biên chế, Thành ủy đã chủ động giao biên chế giảm dần theo từng năm, từ đó các đơn vị phải cắt giảm biên chế để từng bước tiệm cận biên chế trung ương giao, thành phố đã cắt giảm 4,75% số biên chế hành chính và 10,51% số người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng khối đảng, đoàn thể và quận, huyện chủ động xây dựng lộ trình cắt giảm từ 10 đến 30% biên chế, hướng đến thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế của Trung ương.

Căn cứ vào tình hình, đặc điểm thực tế của đơn vị, nhiều quận, huyện đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế theo từng năm, qua 3 năm thực hiện quận 2 đã giảm 542 người, đạt tỷ lệ 18,03% so với tổng số biên chế được giao năm 2015 là 3.000 người. Các cơ quan, đơn vị cũng chủ động rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn,, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ về biên chế, tài chính đối với những đơn vị đủ điều kiện. Đến nay, quận 2 có 3 đơn vị sự nghiệp đã tự chủ hoàn toàn về biên chế và tài chính. Bà Nguyễn Thị Bé Hai - Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận 2 cho hay: "Việc thực hiện tinh giản biên chế chỉ đạt được kết quả bước đầu, vấn đề đặt ra là phải thực sự xem tinh giản biên chế là thách thức và là cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của mỗi cơ quan, đơn vị trong thời gian tới".

Đối với Huyện ủy huyện Nhà Bè, huyện đã xây dựng đề án vị trí việc làm, đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 và đề án vị trí việc làm riêng của từng cơ quan, đơn vị, qua đó xác định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo, công chức trên cơ sở xác định rõ vị trí việc làm cụ thể để nâng cao chất lượng thực hiện công việc, hiệu quả hoạt động cơ quan, đơn vị. Huyện cũng chủ trương thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại một số cơ quan, đơn vị gắn với việc giảm đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đến nay, huyện đã sát nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề, trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cũng thực hiện tinh giản biên chế theo nghị quyết. Ông Nguyễn Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè cho rằng: "Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, khi thực hiện các đồng chí Ban Thường vụ, thường trực ủy ban thể hiện quyết tâm chính trị cao trong toàn đảng bộ, khối chính quyền, các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, định kỳ 6 tháng, một năm sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện".

Thực hiện theo nghị quyết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% và lộ trình đến năm 2020 có viên chức được trả lương từ nguôn thu sự nghiệp, do có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thương xuyên. Ông Nguyễn Hữu Hùng - Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Các ban xây dựng đảng của Đảng ủy Sở đã chủ động tham mưu Ban thường vụ Đảng ủy Sở xây dựng chương trình hành động thực hiện các văn bản của Ban Thường vụ Thành ủy, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành giáo dục. Thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên, đột xuất các hoạt động của đơn vị trong thực hiện việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ. Hằng năm sơ tổng kết hoạt động của ngành, thi đua khen thưởng, tạo động lực cho đội ngũ phát huy tốt khả năng làm việc".

Dù đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng trong thực tế đây là công việc rất khó, đặc biệt đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM. Số lượng biên chế thực tế vẫn còn khá cao so với số biên chế của Trung ương giao, việc tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu vì thành phố có khối lượng công việc rất lớn, giảm biên chế phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và cần có lộ trình thực hiện. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39 mới đây, ông Nguyễn Hồ Hải - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết về những hạn chế trong công tác tinh giản biên chế: "Một số cấp ủy đảng và lãnh đạo đơn vị nhận thức chưa đầy đủ và quyết tâm chưa cao, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tiến độ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy còn chậm, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, xây dựng vị trí việc làm chưa sát với yêu cầu, một số  đơn vị tâm lý muốn duy trì bộ máy như hiện trạng, sợ sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự sẽ có khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, vì vậy cần cẩn trọng, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện".

Ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng đây là công việc rất khó, nhiều cơ quan đơn vị còn lúng túng, làm chậm, chưa có quyết tâm chính trị cao và chưa quyết liệt, bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Do vậy, ông Mai Văn Chính đề nghị Ban thường vụ Thành ủy, Ban tổ chức Thành ủy triển khai quyết liệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương đề ra. Đồng thời, rà soát chức năng, nhiệm vụ, có đề án vị trí việc làm, đánh giá hàng năm và thực hiện đúng lộ trình đến năm 2021 trả lương theo vị trí việc làm: "Trong nghị quyết đã nói phân công, phân cấp mạnh mẽ, cái gì cấp dưới làm được thì phân công và chúng ta phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát phải làm cho chặt chẽ, thường xuyên để nhằm giúp cho các cấp thực hiện tốt nghị quyết này. Việc nữa tiếp tục áp dụng tốt công nghệ thông tin, góp phần tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy".

TPHCM là đô thị với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết hàng ngày rất lớn và có xu hướng gia tăng, mức độ phức tạp của công việc càng cao. Do đó, thành phố kiến nghị Trung ương nghiên cứu, giao biên chế theo quy mô dân số và tính chất đa dạng, phức tạp của TPHCM. Cùng đó, thành phố kiến nghị Ban Bí thư nghiên cứu, điều chỉnh khu biên chế giao cho các quận, huyện phù hợp với đặc thù và tình hình phát triển của TPHCM.

Bình luận