Chờ...

TPHCM: Cần hành động quyết liệt hơn để đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn đi sâu vào thực tiễn

(VOH) - “Ngành chức năng và chính quyền địa phương thành phố cần hành động quyết liệt hơn để đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn đi sâu vào thực tiễn”.

Đây chính là thông điệp được truyền tải tại buổi phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng Chính quyền thành phố với chủ đề “ Đưa phân loại rác tại nguồn đi sâu vào thực tiễn” diễn ra vào sáng 30/6, do Hội đồng Nhân dân TP HCM phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP (VOH) thực hiện.

Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khối lượng khoảng 8.500 tấn đến 8.900 tấn/ngày rác thải sinh hoạt, bình quân tăng từ 5-6%/năm. Tuy nhiên, đa phần người dân hiện chưa nêu cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, việc phân loại rác tại nguồn còn thực hiện một cách manh múng, nhất thời, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý, triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn.

Các khách mời tham gia buổi đối thoại sáng 30/6. Ảnh: Khiêm Huân

Tham gia trao đổi trực tiếp với chương trình, thính giả Nguyễn Minh Tuấn, phản ánh việc bỏ rác của người dân sống dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo và cho rằng, vấn đề đầu tiên của người dân phải là ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, sau đó mới có thể thực hiện tốt phân loại rác: "Đoạn từ đầu chợ Bến Thành đến Cầu Nguyễn Văn Cừ 99% người dân sốc dọc hai bên đường là bỏ rác sinh hoạt ra công viên, mảng xanh, người dân ở đây cho biết các anh chị thu tiền thu 66.000 đồng/tháng và bảo là cứ bỏ ra công viên và sẽ có người ra thu gom; nhưng thực tế là không phải vậy, đa phần là họ bỏ lại cho công nhân công viên cây xanh dọn dẹp, số ít thì họ thu gom những rác còn nguyên bịch, nhẹ nhàng; còn những bịch rác mà ve chai đã xé ra thì bị bỏ lại công viên, nên tôi nghĩ bước một là cần phải bỏ rác đúng nơi quy định thì mới đến bước 2 là phân loại rác".

Đại diện cơ quan chức năng đã ghi nhận phản ánh của người dân và cho biết thêm hành vi bỏ rác ngoài công viên là sai quy định và bị phạt từ 5 đến 7 tiệu đồng.

Phản ánh từ thực tế địa phương mình, bà Lê Minh Huệ, khu phố 3, phường 11, quận Phú Nhuận cho biết, người dân nơi đây được vận động phân loại rác tại nguồn được gần 1 năm, tuy nhiên kết quả thực hiện khá chậm, chỉ đạt khoảng 20%. Mặc dầu được tuyên truyền nhiều, xây dựng thành chỉ tiêu thi đua, nhưng do phương tiện thu gom chưa được trang bị đúng quy chuẩn nên người dân không tiếp tục phân loại rác. Khắc phục khó khăn này, địa phương đã có sự chủ động: "Phường hiện nay có chủ trương là sẽ hỗ trợ cho mỗi xe rác dân lập khoảng 6 triệu để ngăn đôi xe ra, để cho dân thấy là mình thu gom rác được phân ra từng loại, như thế mới khuyến khích cho người dân thấy hiệu quả mà thực hiện".

Nhiều người dân đã có đề xuất, hiến kế để việc phân loại rác tại nguồn đi sâu vào thực tế hơn, cụ thể: "Có điều kiện thì nên phát cho dân 2 bịch ni lông 2 màu khác nhau để phân ra 2 loại rác, mà đó phải là bịch ni lông tự hoại, còn không có tiền thì phát tem để dán vào các bịch ni lông chúng tôi tận dụng khi đi chợ, đi siêu thị. Chúng ta cũng có thể sử dụng biện pháp thưởng – phạt. Chẳng hạn như gia đình có phân loại rác thì thu tiền ở mức thấp, còn gia đình nào không thực hiện thì thu phí cao hơn".

Trước thực tế đó, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết thêm về kế hoạch sắp tới của Sở: "Sở Tài nguyên và Môi trường TP thời gian tới sẽ gắn kết chặt chẽ với các quận - huyện trong việc tuyên truyền, tập huấn đến các hộ dân bằng nhiều hình thức; giám sát việc triển khai thực hiện việc này tại các địa bàn để rút ra những vấn đề thực tiễn mà trong quá trình xây dựng kế hoạch chưa lường được hết, từ đó có những hiệu chỉnh bổ sung cho phù hợp. Sau đó, sẽ hoàn thành các dự thảo liên quan đến các quy định. Bên cạnh đó, Sở cũng trình rốt ráo quy định về ban hành giá dịch vụ vệ sinh môi trường để làm cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất về việc chuẩn bị phương tiện và nhân lực".

Ở góc độ là cơ quan giám sát, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Ban Đô thị, HĐND TPHCM đánh giá: "Chúng ta cần quan tâm thêm ở một số đối tượng, ví dụ như chúng ta lồng ghép nội dung phân loại rác thải vào các hoạt động giáo dục tại các cấp học; triển khai sâu rộng ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, công sở nơi công cộng, tạo nền tảng lan rộng ở mức độ cộng đồng; tiếp nữa là nên trang bị đồng bộ và đầy đủ tại khu vực công cộng, khu dân cư, để dần đưa người dân vào quy củ và buộc phải thực hiện theo nội dung đó. Chúng ta phải kiểm tra, giám sát sau thời gian hướng dẫn, nhắc nhở, cần xử lý vi phạm đối với các chủ nguồn thải, lực lượng thu gom, vận chuyển để chương trình được duy trì tốt".

HĐND TP đang tích cực đẩy mạnh công tác giám sát, thúc đẩy các cơ quan chức năng, các địa phương chủ động hơn nữa để vận động nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp, nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn; quyết tâm thực hiện được mục tiêu: đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư, nâng tỉ lệ phân loại rác tại nguồn trong các hộ dân đạt 50%.

Bình luận