Chờ...

TPHCM cần khai thác tiềm năng và định hướng phát triển hoa lan

(VOH) - Ngày 24/4, tại TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đã tổ chức hội thảo Tiềm năng và định hướng phát triển hoa lan trên địa bàn TP.

So với các cây nông nghiệp khác, hoa lan đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển hoa lan thành một sản phẩm công nghiệp với quy mô lớn và hiệu quả cao hơn cho người dân, bởi TPHCM chưa chủ động được nguồn giống.

TPHCM có diện tích lớn đất phèn nặng và bạc màu, phù hợp với điều kiện phát triển của hoa lan. Do đó, người nông dân đã chuyển đổi từ sản xuất cây nông nghiệp cho thu nhập thấp sang trồng hoa lan cho thu nhập cao, tăng gấp 4-5 lần lợi nhuận, với khoảng 800 triệu/ha, sản lượng 134,5 triệu cành mỗi năm, đáp ứng gần 60% nhu cầu của TP.

Ông Nguyễn Văn Đức Tiến – Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TPHCM cho biết: Hàng năm, giá trị xuất khẩu của ngành lan từ Việt Nam đạt trên 4 triệu USD. Trong đó Mỹ, Nhật là các quốc gia nhập khẩu hoa lan Việt Nam hàng đầu.

Hiện tại Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu về hoa lan đứng thứ 6 trên thế giới. “Tuy nhiên, danh sách xếp hạng này chỉ gồm 6 – 7 nước. Đồng nghĩa, Việt Nam đứng đầu bảng, xếp từ dưới lên”

Cụ thể, tỷ trọng của hoa lan Việt Nam chiếm phần rất nhỏ so với các nước như Hà Lan, Thái Lan. Mức độ biến động về giá trị xuất khẩu cũng không thể hiện rõ nét qua các năm như thị trường thế giới do sản phẩm trong nước chưa đa dạng, thị phần xuất khẩu chỉ tập trung ở vài quốc gia châu Á quen thuộc.

nuôi cấy lan trong khu công nghệ cao

Nuôi cấy mô lan tại khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM.

TPHCM là địa phương sản xuất và tiêu thụ lớn trên cả nước, cũng có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm này, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị, nhưng việc phát triển đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn giống.

Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở nhân giống cấy mô nhưng quy mô và năng lực còn hạn chế, quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều và chưa đủ năng lực cung cấp cho thị trường. Tỷ lệ nhập con giống từ Thái Lan vẫn chiếm hơn 90% so với nhu cầu phát triển diện tích.

Do đó, trong thời gian tới, TP sẽ tổ chức lại sản xuất ngành hoa lan, khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tạo ra quy mô vùng trồng lớn, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác giống, để giảm phụ thuộc nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh.

Ngoài ra, xu hướng kết hợp du lịch với phát triển những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như hoa lan, cũng đang là một hướng đi, để quảng bá tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân, và thu hút du khách đến với TPHCM bằng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có thế mạnh.

Về lâu dài, TP cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống. Sưu tập, thuần hóa làm nguồn lai tạo các loại lan rừng đặc hữu tiến tới đăng ký bản quyền. Đồng thời nghiên cứu kỹ thị trường trong và ngoài nước để xây dựng vững chắc mối liên kết các nhà và chính sách phát triển hoa lan phù hợp xu thế hiện nay.

Bình luận