Chờ...

TPHCM đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(VOH) - Sáng 28/11, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TPHCM phải là thành phố có nông nghiệp phát triển. Dù yếu tố nông thôn giảm đi, nhưng nông nghiệp phải giữ.

Khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã chỉ đạt bình quân 6 tiêu chí. Kết thúc giai đoạn 2010-2015, 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hơn 96%, ba huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ở giai đoạn nâng chất các tiêu chí nông thôn mới 2016-2020, tính đến 11/2019, có 47/56 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ gần 84%. Số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt được là 18,7 tiêu chí. Đặc biệt quá trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được nguồn vốn hơn 73.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 80% là vốn từ cộng đồng. Thành phố cũng là địa phương không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới.

Đáng nói là khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị qua 10 năm đã được rút ngắn đáng kể. Nếu năm 2008, thu nhập người dân khu vực nông thôn chỉ bằng 55% thu nhập người dân thành thị, thì đến thời điểm hiện nay, thu nhập người dân nông thôn đạt hơn 63 triệu đồng/người/năm, đạt gần 73% thu nhập người dân thành thị. 

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha/năm liên tục tăng qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha/năm vào 2010, đã đạt 502 triệu đồng/ha/năm vào 2018. Đây là con số cao nhất cả nước và gấp 5 lần so với bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ngoại thành.

Ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cho biết quá trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại sự thay đổi rõ nét. Trong đó, Bình Lợi từ một xã nghèo, địa hình trũng thấp với 50% diện tích bị ngập trắng vào mùa lũ thì nay đã có đê bao thuỷ lợi khép kín. Đặc biệt cách đây 3 năm, lần đầu tiên người dân địa phương thấy xe ô tô chạy trên một con đường trong xã. Phấn khởi hơn, đời sống người dân cải thiện nhiều khi chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thành công với vùng chuyên canh mai vàng và cá kiểng khá lớn.

Ông Trương Thái Ngọc cho biết sự thay đổi quan trọng nhất đó là sự thay đổi về niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Không chỉ trong xây dựng nông thôn mới mà cả những chủ trương chính sách khác, nếu có sự đồng thuận của người dân thì khả năng thành công sẽ rất lớn.

Theo đại diện Ban Thi đua Khen thưởng, trong giai đoạn nâng chất, 19 tiêu chí gắn với đặc thù thành phố có 8 chỉ tiêu điều chỉnh bổ sung cao hơn bộ tiêu chí Trung ương và sát hợp với thành phố. Ngoài ra, có hơn 26.000 hộ dân đã hiến hơn 297 hecta đất làm đường. Trong năm 2020, thành phố phấn đấu 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 huyện Cần Giờ, Bình Chánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, ghi nhận mặc dù nông nghiệp chiếm chưa đến 1% trong tổng sản phẩm, nhưng thành phố đã quan tâm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn. Thứ trưởng lưu ý thành phố cần chủ động xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng của Trung ương và điều kiện thực tế của thành phố, đồng thời quan tâm thích ứng biến đổi khí hậu. Cần chú trọng khai thác được lợi thế tuyệt đối của thành phố, cụ thể: triển khai hiệu quả Đề án nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học; phát triển và nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái khép kín, nông nghiệp ven đô, chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững; tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là tổ chức nông dân và hợp tác xã kiểu mới; ban hành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và nông nghiệp; Liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, kiểm soát lưu thông để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố, cũng như phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp.

sản phẩm

Sản phẩm nông nghiệp của TPHCM trưng bày tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả quá trình xây dựng nông thôn mới của thành phố và sự tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng thời gian tới với quá trình đô thị hoá và dịch chuyển lao động ra khỏi sản xuất nông nghiệp đã và đang diễn ra mạnh mẽ, các huyện cần tính đến phương án trở thành các quận có sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp phải là nông nghiệp công nghệ cao, phát triển giống. Vì vậy giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn phải thực hiện đầy đủ, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, làm nông nghiệp năng suất cao và chuyển từ nông thôn sang đô thị có sản xuất nông nghiệp.

Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số TPHCM: Đánh giá kết quả và tôn vinh thành tích nổi bật - (VOH) - Ngày 11 và 12/12/2019 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III.                                

 

Bình luận