TPHCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo

(VOH) - Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững với mục tiêu chung là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo.

Bước sang năm 2021, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới (2021 - 2025), Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững với mục tiêu chung là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững; từ đó, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu “Đến năm 2025 cơ bản không hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước”. VOH có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM. 

*VOH: Thưa ông, trước hết xin ông chia sẻ thông tin về chuẩn nghèo mới cũng như những nội dung hành động trọng tâm trong năm 2021 của TPHCM đối với công tác Giảm nghèo bền vững?

Ông Lê Minh Tấn: Giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố tiếp tục nâng chuẩn nghèo của Thành phố lên là hộ cá nhân, hộ nghèo, hộ có thu nhập dưới 36 triệu đồng/người/năm là hộ nghèo; và thu nhập từ 36 triệu đến dưới 46 triệu đồng/người/năm là hộ cận nghèo. Thành phố có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt giai đoạn 2021 – 2025 này. Thứ nhất, tuyên truyền cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân cùng chung tay góp sức, hiểu được chính sách, chủ trương của Thành phố để nâng chuẩn nghèo này, nâng mức thu nhập này nhằm nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo. Thứ hai, bằng các nguồn lực để hỗ trợ cho bà con có đồng vốn làm ăn, sản xuất, kinh doanh, hướng tới hỗ trợ cần câu, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn. Thứ ba là thực hiện nhiều chính sách đồng bộ hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo về phương tiện, điều kiện sống, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, về giáo dục, đào tạo, việc làm, tiếp cận công nghệ thông tin. Một vấn đề nữa đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chương trình này một cách công khai, minh bạch, hiệu quả để hộ nghèo, hộ cận nghèo và người nghèo sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Kiện toàn, củng cố các tổ Tự quản giảm nghèo bền vững ở các ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân để hướng dẫn bà con làm ăn có hiệu quả hơn.

*VOH: Với chuẩn nghèo mới như vậy thì chúng ta có dự báo được đâu sẽ là những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với công tác Giảm nghèo bền vững trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới?

Ông Lê Minh Tấn: Đây là lần thứ 8 TPHCM sẽ điều chỉnh nâng mức chuẩn nghèo lên từng giai đoạn theo chuẩn nghèo của Thành phố, những hộ nghèo, hộ cận nghèo của Thành phố gấp 1,5 lần so với cả nước giai đoạn 2021 – 2025. Đây cũng là một nỗ lực, thách thức của lãnh đạo Thành phố, và ở phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin tưởng rằng những kinh nghiệm và bề dày của Thành phố qua 28 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững này, chúng ta sẽ đạt được kết quả để nâng cao được đời sống của người dân.

*VOH: Kinh nghiệm từ các giai đoạn trước cho thấy TPHCM không giữ cố định một chuẩn nghèo cho cả giai đoạn 5 năm mà luôn điều chỉnh tăng lên sau khi sớm hoàn thành chuẩn nghèo được lên kế hoạch trước đó. Ông đánh giá ra sao về khả năng điều này có thể lập lại trong giai đoạn mới này?

Ông Lê Minh Tấn: Với kinh nghiệm của TPHCM trong việc thực hiện công tác giảm nghèo trước đây là Chương trình Xóa đói giảm nghèo, hiện nay là giảm nghèo bền vững, qua 8 lần nâng chuẩn nghèo của Thành phố, thì mỗi lần nâng chuẩn nghèo đó là một nỗ lực chung của Thành phố đều về trước Nghị quyết của lãnh đạo Thành ủy từ 01 đến 02 năm là bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo là gấp 3,5 lần so với giai đoạn trước. Thì giai đoạn 2021 – 2025 này, thu nhập bình quân sẽ bằng 1,3 lần so với năm 2020. Đây là sự nỗ lực chung, sự đầu tư bằng nhiều nguồn lực, bằng nhiều giải pháp thiết thực, bằng sự vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, tôi tin tưởng rằng, giai đoạn này có thể kết thúc vào năm 2024, sẽ về trước Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố lần thứ XI một năm.

*VOH: Trong giai đoạn mới thì TPHCM có những chủ trương hay giải pháp nào nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa đội ngũ cán bộ, chuyên viên giảm nghèo cũng như các tổ Tự quản giảm nghèo để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo bền vững?

Ông Lê Minh Tấn: Tôi đánh giá rất cao đội ngũ này. Hiện nay trên địa bàn TPHCM có trên 3000 tổ Tự quản giảm nghèo bền vững, và các cô chú, anh chị này đều xuất thân từ những hộ nghèo, hộ cận nghèo trước đây, nay họ đã thoát nghèo rồi, và họ quay trở lại cống hiến, hướng dẫn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 – 2025 này là một điều cực kỳ quý báu. Tôi tin tưởng rằng, các cô chú anh chị này sẽ cống hiến hết sức mình cho Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Dù chế độ thù lao họ nhận được không có bao nhiêu, nhưng với tình cảm và trách nhiệm của mình, họ sẽ cống hiến với tinh thần trách nhiệm cao nhất để chăm lo, hỗ trợ, quản lý, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo thì sẽ đạt được theo yêu cầu mà lãnh đạo Thành phố mong muốn.

giảm nghèo, ngày 4 tháng 2 năm 2021
Hội chữ thập đỏ thành phố cùng ban tổ chức, mạnh thường quân trao tặng xe máy cho hai hộ dân có hoàn cảnh khó khăn 

*VOH: Nếu tính riêng năm 2021 thì TPHCM sẽ có mục tiêu cụ thể nào trong công tác Giảm nghèo bền vững?

Ông Lê Minh Tấn: Trong năm 2021 này thì Sở Lao động đang tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quyết định nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025 này từ đầu năm 2021 để làm cơ sở pháp lý để các quận/huyện, các phường/xã, các ấp/ tổ dân phố/ khu phố/ tổ nhân dân/ các tổ Tự quản giảm nghèo bền vững sẽ tiến hành điều tra, phúc tra để có một kế hoạch cụ thể để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ hành trang thực hiện hoàn thành trong năm 2021 này, để đảm bảo đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố là cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia; Riêng đối với TPHCM sẽ còn dưới 0,5% trên tổng số hộ dân Thành phố đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân Thành phố.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Bình luận