Chờ...

TPHCM triển khai những biện pháp ứng phó với dịch bệnh do virus corona gây ra

(VOH) - Trước tình hình dịch bệnh lây lanh nhanh, ngành Y tế thành phố khuyến cáo đến mọi người dân, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân. 

Sáng 4/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các Sở, Ban ngành thành phố, các Tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 24 quận, huyện, chính quyền các cấp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống, ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu tại 24 điểm cầu của quận, huyện.

Trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch vi rút Corona là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Tại Việt Nam đến thời điểm này có 9 ca dương tính với nCoV. Trong đó có 2 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phát biểu chỉ đạo hội nghị

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phát biểu tại hội nghị.

Bệnh viện dã chiến dự kiến hoàn thành ngày 15/2

Hiện Sở Y tế TPHCM đang phối hợp Bộ Tư lệnh gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến chống dịch viêm hô hấp, với quy mô 500 giường bệnh và ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện xây ở 2 nơi. Cơ sở 1 có 300 giường bệnh trong đó 20 giường hồi sức tích cực, đặt tại Trường quân sự thành phố ở huyện Củ Chi. Cơ sở 2 với 200 giường tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực. Dự kiến hoàn thành ngày 15/2.

 Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố - Phó trưởng Ban chỉ đạo về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona khẳng định, biện pháp quan trọng nhất là phát hiện sớm và cách ly, vì tình hình dịch bệnh ngày càng tăng lên, nguy cơ bệnh lây lan rất cao và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cách ly tất cả những người từ vùng dịch cũng như những người nào quá cảnh quốc tế, cũng như Việt Nam trở về nước đều phải cách ly trong vòng 14 ngày.

"Tính đến hôm nay trên toàn thế giới có hơn 20.000 ca mắc, tử vong là 426 ca. So với ngày hôm qua là 17.385 và tử vong là 362 để thấy rằng hôm nay tỷ lệ tử vong đã tăng 64 trường hợp và tình trạng bệnh tăng hơn 2.000 người so với ngày hôm qua, cho thấy cấp độ càng tăng", ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin thêm.

Đa số tử vong là rơi vào những người trên 70 tuổi

Tại hội nghị, Giáo sư – Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo, đa số tử vong là rơi vào những người trên 70 tuổi, vì vậy những người này không nên đi đến những nơi đông người và phải vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, cần quan tâm đến những người làm việc ở nơi đông người xem họ có biểu hiện gì không để kịp thời điều trị. Đặc biệt những người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài thì môi trường trên máy bay rất dễ nhiễm bệnh, vì vậy cần yêu cầu những người này tự cách ly ở nhà.

"Người dân đặc biệt quan tâm khi họ có triệu chứng sốt, ho, khó thở thì phải coi đây là những đối tượng nguy cơ cao. Và một điều rất may mắn là Tổ chức Y tế thế giới vừa cung cấp cho mình 'mồi' để làm xét nghiệm và ở TP bây giờ chỉ cần 1 ngày thôi thì đã có kết quả. Như vậy những người mà có triệu chứng là lấy máu xét nghiệm và chỉ cần 1 ngày sau là có kết quả có nhiễm Virus Corona hay không. Nếu không có Virus Corona thì họ cũng nên ở trong nhà và tự cách ly vài ba hôm", Giáo sư – Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói thêm.

Giáo sư – Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, phát biểu tại hội nghị.

Người dân cam kết cùng phòng chống dịch

Theo Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TPHCM thì việc yêu cầu các hộ gia đình cam kết cùng phòng chống dịch rất quan trọng, bên cạnh đó phải có lực lượng báo cáo viên đi tuyên truyền nhất là tại các doanh nghiệp vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp là một dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắc xin phòng ngừa, thuốc điều trị đặc hiệu.

"Phải kịp thời cập nhật thông tin về phòng, chống, ứng phó với Corona. Thứ 2 là nếu phát hiện thì sẽ xử lý kịp và thứ 3 là không có hoang mang mà phải thấy đây là một dịch bệnh nếu nỗ lực thì chúng ta sẽ phòng chống được. Chúng ta phải mạnh dạn trong việc phát hiện thì phải công bố chứ chúng ta không có lẩn tránh. Nếu không nó lây lan cho người trong nhà và người khác. Bản thân từng người cũng phải có ý thức nếu mình cảm thấy có dấu hiệu đó thì phải kịp thời làm thế nào để không lây lan cho những người khác" - Luật sư Trương Thị Hòa nói.

Ông Hồ Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cũng cho biết, phía Liên đoàn cũng đưa thông tin đến công đoàn từng cơ sở để tuyên truyền kịp thời các phương pháp phòng chống căn bệnh này để người lao động chia sẻ với nhau những thông tin cần thiết để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Bên cạnh đó ngoài việc trang bị khẩu trang cũng đề nghị ngành y tế thông tin thêm về những thực phẩm từ thiên nhiên như tỏi, sả, chanh là những sản phẩm tăng sức đề kháng cho bản thân. 

"Chúng tôi mong có thông tin tờ rơi, phiếu bướm đến từng khu nhà trọ, khu có đông công nhân thuê ở nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có hàng ngàn lao động. Về phía Liên đoàn chúng tôi cũng đăng ký được cấp tài liệu để chuyển về công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp nằm trong KCX – KCN vì đây là những đơn vị mà người lao động tập trung đông đúc để lao động sản xuất", ông Hồ Xuân Lâm nói.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, mặt trận được phân công tuyên truyền, vận động, giám sát người dân trong việc tham gia chủ động phòng chống dịch thì mặt trận cũng phân công 4 thành viên là mặt trận tổ quốc các quận huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Liên Đoàn Lao động TP để xây dựng kế hoạch.

"Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chống dịch như chống 'giặc' chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền đến từng người dân trong việc phát tờ rơi, tờ cam kết, cẩm nang để làm sao người dân nắm được và chủ động trong phòng chống dịch. Đó là rà từng ngõ, gõ từng nhà và đảm bảo mỗi người dân nắm được thông tin để tham gia tích cực, chủ động trong phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng", bà Tô Thị Bích Châu thông tin. 

Trước tình hình dịch bệnh lây lanh nhanh, ngành Y tế thành phố khuyến cáo đến mọi người dân, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khủy tay áo hoặc khăn giấy - bỏ ngay vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Tránh tiếp xúc gần với người bị sốt hoặc ho. Nếu bị sốt, ho, sổ mũi nên mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác và nên đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Những người từ vùng dịch trở về cần tự cách ly, hạn chế tiếp xúc trong 14 ngày.

Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 4/2/2020: Va chạm xe tải, 2 thanh niên tử vong – Hai thanh niên chở nhau bằng xe máy trên QL1, khi đang đổ đèo Cả thì xảy ra va chạm với xe tải cùng chiều khiến cả hai nạn nhân tử vong tại chỗ.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án sân bay Long Thành trong tháng 3/2020 - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Bình luận