Chờ...

Vaccine là "chìa khoá" để thoát khỏi đại dịch Covid-19

(VOH) - Bên cạnh các phương pháp chống dịch đang được triển khai thì nhu cầu sản xuất vaccine trong nước cũng rất cần thiết.

Chiều nay 20/8, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Tọa đàm trực tuyến lần 2 với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch - Vaccine Made in Vietnam”.

Vaccine chìa khoà để thoát khỏi đại dịch 1
Toàn cảnh buổi Tọa đàm trực tuyến.

Khai mạc tại hội thảo, ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ nhận định, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam. Do đó, bên cạnh các phương pháp chống địch đang được triển khai thì nhu cầu sản xuất vaccine trong nước cũng rất cần thiết: "Sự đối mặt của chúng ta, nhân loại nói chung là vô cùng gian khó, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Với điều kiện của y tế của VN vô cùng khó, trang thiết bị, nguồn lực tài chính, tri thức còn rất khiêm nhường.

Vì vậy, chúng tôi mong những chuyên gia Việt Kiều có kiến thức sâu rộng, đang làm việc tại những trung tâm khoa học hàng đầu thế giới có ý kiến, góp ý để Việt Nam sớm có được nguồn lực vaccine góp phần khống chế dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay."

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM, việc bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng vaccine có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để sớm đạt mục tiêu bao phủ 70% vắc xin cho người từ 18 tuổi. Vì vậy, cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vaccine hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ : "Những đóng góp, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia trí thức kiều bào qua hai buổi tọa đàm trong phòng chống dịch Covid-19 là hết sức cần thiết và có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Thành phố.

Trong giai đoạn khó khăn, mọi sự chia sẻ, đồng hành là rất quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước sớm khống chế dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới. Thay mặt Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tôi gửi lời cảm ơn Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã liên tục tổ chức các hoạt động, sự kiện kịp thời kêu gọi, kết nối các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý, hiến kế chung sức cùng Thành phố chống dịch Covid-19".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, hệ sinh thái công nghệ cao Khu Công nghệ cao TP.HCM đã góp phần vào công tác phòng chống đại dịch, trong đó, đặc biệt, phải kể đến dự án đầu tư của Công ty Cổ phần CNSH Dược Nanogen với ứng dụng công nghệ Protein tái tổ hợp để sản xuất sản phẩm vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam với tên gọi là Nanocovax. 

Bà Lê Bích Loan - Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho biết, "Vaccine được thử nghiệm giai đoạn 3 với kết quả khả quan. Chúng ta hy vọng sản phẩm này sớm được tiêm cho người dân với thương hiệu made in VN, xứng đáng là niềm tự hào của người VN nói chung và niềm tự hào của TPHCM nói riêng."

TS Đỗ Minh Sĩ – Giám đốc nghiên cứu phát triển – Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen cho biết tính đến thời điểm hiện tại, dựa trên kết quả thử nghiệm có thể đánh giá, vaccine Nanocovax tương đối an toàn, các tình nguyện viên khi tiêm đa số có phản ứng nhẹ hoặc không phản ứng phụ. Hiệu quả của vắc xin chưa tính được, tuy nhiên chỉ số đáp ứng miễn dịch ở huyết thanh của người được tiêm Nanocovax cao hơn so với huyết thanh của người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. 

Trước khi cho ý kiến đánh giá về Nano Covac tại buổi toạ đàm này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Kiều bào Mỹ) - Giám đốc khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona khẳng định, ông không có mối liên hệ tài chính hay kỹ thuật với các công ty đang phát triển vaccine được đề cập tại buổi toạ đàm. Nhận định của ông hoàn toàn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học của giới chuyên môn đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, vaccine là "chìa khóa" để thoát khỏi đại dịch nên đề xuất cấp phép sử dụng khẩn cấp Nanocovax bởi các yếu tố sau: "Quan trọng nhất là vấn đề an toàn, sau đó khả năng sản xuất, sản phẩm khá tinh khiết, chất lượng cao. Thứ 4 là lợi ích quá lớn.

Thực chất vaccine loại này đã đưa vào cơ thể nhận dạng rất nhiều protein, gây áp lực cho hệ miễn dịch bằng nhiều loại protein lạ khác nhau. Nó kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể."

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái (Kiều bào Mỹ) - Co-Founder TransMed-VN đánh giá, khả năng tiêm chủng Nanocovax cho cộng đồng qua so sánh với Novavax của Hoa Kỳ và các vắc xin hiện hành: "2 sản phẩm này rất tương đồng về kỹ thuật chuyên biệt, rất dễ tinh sạch, đặc tính an toàn. Nanocovac (Việt Nam) và Novavax (Hoa Kỳ) không chỉ gần nhau ở tên mà cũng cùng công nghệ protein subunit. Protein subunit vaxin là loại S1 protein tinh sạch qua công nghệ protein tái tổ hợp (recombinant protein) như những thuốc sinh học.

Novavax được coi là an toàn và hiệu năng ngang với Moderna, Pfizer và có lợi thế là sản xuất nhanh và vận chuyển ở nhiệt độ thấp có thể phân phối tới các vùng xa. Novavax có cơ sở sản xuất ở Hàn Quốc và Ấn Độ qua chương trình CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations). 

Trường hợp Nanocovax (Việt Nam), vì tính khẩn trương hiện nay, chưa cần phải đáp ứng mọi đánh giá khoa học của vaccine, mà cần đáp ứng yếu tố lâm sàng để lấy quyết định cho giấy phép, có thể là khẩn cấp."

Theo đó, ngoài mức độ an toàn cao, Nanocovax cần đạt tiêu chuẩn của các vắc xin COVID hiện nay, dựa trên 4 kết quả lâm sàng: hiệu quả tránh F0 không có triệu chứng, giảm nhập viện, giảm trở bệnh nặng và không tử vong. Nanocovax sẽ cần đáp ứng tốt đặc biệt cho chủng Delta. Nếu chỉ dựa trên tính an toàn mà cấp phép thì chưa đủ và tạo cơ nguy cho người tiêm chủng bị nhiễm; nếu phải làm các thử nghiệm để chứng minh tính sinh miễn dịch thì rất lâu thời gian, tốn kém và Viêt Nam còn thiếu hệ thống để thực hiện vì nhiều lý do.

Kết thúc buổi toạ đàm, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng đối mặt với thực trạng khan hiếm nguồn vắc xin trên thế giới thì tự lực tự cường về vacxin được xem là giải pháp căn cơ lâu dài.

Vì vậy, các ý kiến và tham luận của các diễn giả chuyên gia kiều bào tại tọa đàm đã đem đến cách nhìn toàn diện, khoa học về các loại vaccine cũng như vấn đề thử nghiệm lâm sàng, cấp phép sử dụng vắc xin: "Chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, những chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị quan trọng đó và sẽ tổng hợp báo cáo Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, để chuyển tới các cơ quan chuyên môn tham khảo trong quá trình sản xuất, cấp phép sử dụng vắc xin.

Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự chung tay góp sức của các chuyên gia trong nước và kiều bào, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng Việt Nam sẽ thành công trong việc sản xuất vắc xin made in Vietnam, triển khai chiến lược vắc xin hiệu quả, sớm kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh."

Bình luận