Chờ...

Vai trò của TPHCM trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(VOH) – Sáng 23/12, Học viện Cán bộ Thành phố phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tổ chức hội thảo khoa học: “Vai trò của TPHCM trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi thảo luận về vai trò của TPHCM trong sự phát triển bền vững, những khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển và những giải pháp tháo gỡ những khó khăn của TPHCM.

 Toàn cảnh hội thảo

Khẳng định về vị trí, vai trò của TPHCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho rằng  nằm trong  Vùng  kinh  tế trọng điểm  phía  Nam và là đô thị hạt nhân  của vùng, TPHCM có  sức  thu hút và  lan  tỏa  mạnh  trong  liên kết phát triển kinh tế bền vững toàn vùng.

Vai trò đô thị hạt nhân này đã được thể hiện ở chính sự tăng trưởng kinh tế cao và ở nỗ lực trong liên kết, hợp tác với các địa phương khác để cùng phát triển. Với vai trò và sự nỗ lực đó, TPHCM đóng góp trung bình hàng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thành phố là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước trong  giai  đoạn  này, tỷ trọng  đóng  góp  so  với  tổng  thu  ngân sách  địa phương trung bình mỗi năm của Thành phố là 34,4%.

TPHCM là đô thị đặc biệt là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế, là đầu tàu động lực có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16 ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế và phát triển TPHCM đến năm 2020, đã giúp đạt được nhiều kết quả quan trọng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Theo Tiến sĩ Phan Công Khanh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết trong thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ  “chững lại”, “hụt hơi” trong vai trò đầu tàu tăng trưởng, nhất là bảo đảm tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn.Việc liên kết giữa Thành phố và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế làm kìm hãm sự phát triển chung của cả vùng,

Theo ông Khanh hiện nay sự phát triển của TPHCM và 7 tỉnh trong vùng còn nhiều tồn tại, bất cập, cần đánh giá chất lượng phát triển, đánh giá đúng vai trò quan trọng của thành phố đối với sự phát triển bền vững của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường vai trò này là việc làm rất có ý nghĩa nhất là trong bối cảnh các tỉnh thành phố trong vùng đang tiến tới Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội 13 của đảng.

Trong thời gian tới, để Thành phố tiếp tục phát huy vai trò của mình trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì cần phải có cơ chế thật đặc biệt, trong đó ngành chức năng phải chú ý quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng giao thông cũng như kiến nghị với Trung ương những thể chế, chính sách để phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, những chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực để phát triển các đô thị vệ tinh trong hệ thống đô thị của Vùng, gắn với phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng dịch vụ đồng bộ nhằm hấp dẫn người dân đến ở, từ đó tạo ra sự phân bổ dân cư hài hoà trong vùng, giảm áp lực cho đô thị trung tâm TPHCM, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Thạc sĩ Đỗ Lý Hoài Tân, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đề xuất nên xây dựng lại cơ cấu chiến lược vùng sao cho vừa phù hợp với quy hoạch vừa thống nhất về mặt định hướng phát triển vùng trong bối cảnh mới, gắn với vai trò đầu tàu hạt nhân phát triển vùng của TPHCM. Với vị trí của thành phố nên tập trung vào chuyên môn hóa các trung tâm dịch vụ tài chính khoa học công nghệ không chỉ là tập trung phát triển về mặt công nghiệp.

Theo các đại biểu thì cũng cần trao nhiều hơn cho các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm dưới dạng phân cấp, phân quyền, nhất là về mặt tài chính để các địa phương có đủ nguồn lực và cơ chế giải quyết các nhu cầu cấp bách của địa phương.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 - (VOH) - Sáng 23/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Bình luận