Chờ...

Vì sao nhóm ngành sản xuất điện tử tại TPHCM tăng trưởng âm?

(VOH) - Không được chậm trễ trong việc mua sắm thuốc men, sinh phẩm, không để người dân thiếu thuốc.

Đây là yêu cầu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp cuối năm 2022 ngày 29/6 do UBND TPHCM tổ chức.

Phấn khởi trước những hồi phục bước đầu của kinh tế Thành phố, nhưng cũng bày tỏ nhiều âu lo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, dịch sốt xuất huyết cũng không bình thường ở thời điểm này. Bởi dù là thời điểm đầu của dịch nhưng số ca tăng cao. Nếu như chúng ta không tổ chức phòng ngừa, thì sẽ bùng dịch. Thành ủy đã quán triệt đến Sở Y tế và từng địa phương, tuy vậy, đến thời điểm này, vẫn còn một số địa phương chưa triển khai. Bí thư Thành ủy đề nghị nghiêm khắc phê bình một số địa phương còn chủ quan trong phòng chống sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu không được chậm trễ trong việc mua sắm thuốc men, sinh phẩm, không để cho người dân thiếu thuốc.

“Y tế thì nói thuốc không thiếu, còn một số bệnh viện thì nói đang thiếu. Câu chuyện này giao lại cho ngành y tế để thông tin cho rõ, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.

bi-thu-thanh-uy-nguyen-van-nen-voh.com.vn-anh1
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý: Không được chủ quan với dịch bệnh.

Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức. Hoạt động thương mại dịch vụ từng bước được khôi phục. Thị trường hàng hóa và đời sống người dân ổn định. Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống. Các cơ sở kinh doanh triển khai song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt gần 556.500 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đã tăng trở lại, ước đạt gần 25 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt hơn 34 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương cho hay, có 20/30 nhóm ngành tăng trưởng dương, tuy nhiên nhóm ngành sản xuất điện tử còn tăng trưởng âm.

Phân tích điều này, ông Vũ cho hay: “Do sản xuất khó khăn ở các nước trên thế giới, thiếu chip, sự gia tăng chi phí logicitcs; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng và một số quốc gia siết lại tỉ lệ nội địa…”.

Đáng chú ý, lĩnh vực du lịch, tổng doanh thu trong tháng 6 ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 233% so với cùng kỳ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du Lịch Thành phố, du lịch bắt đầu từ tháng 4 tăng trưởng dương, tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, hiện thiếu hụt về nhân lực, việc tiếp cận vốn và thị trường khách quốc tế cũng còn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, cho hay thời gian tới, sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi. Cuối tuần này, Sở sẽ liên kết với các tỉnh Bắc Trung Bộ phát triển mỗi địa phương tiên phong phát triển một sản phẩm du lịch.

“Du lịch tập trung các giải pháp. Làm việc với các trường, đại học có chuyên ngành du lịch trên địa bàn Thành phố để tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành. Tiếp tục làm việc với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Hiện tại hai bên mở kênh tiếp nhận giải đáp những vướng mắc, thắc mắc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, trong vòng nửa ngày sẽ trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp, chuẩn bị hội nghị kết nối các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có cơ cấu lại nợ vay”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay.

“Đến thời điểm này, TPHCM tăng trưởng cơ bản khoảng 80%, đạt gần với mức so với trước dịch. Nhiều lĩnh vực đã đạt và vượt so với trước dịch COVID-19. Nhưng cũng có ý kiến chuyên gia nói rằng, nếu so sánh với các đô thị lớn trong cả nước và quốc tế thì mức hồi phục này còn chậm. Thế nhưng sau khi bàn bạc thống nhất tại tờ trình Ban thường vụ và báo cáo tại hội nghị, thành phố thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi nhanh, khá đồng bộ, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhận định.

chu-tich-ubnd-tp-phan-van-mai-voh.com.vn-anh2
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu các nhóm giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022.

Lãnh đạo Thành phố cũng nhìn nhận, mặc dù nỗ lực, song các thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng đến việc hấp thu vốn kể cả đầu tư công và hấp thu vốn xã hội vì vướng rất nhiều thủ tục. Nhiều dự án bị vướng thủ tục khiến nguồn tiền không chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, không tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, gây khó khăn cho doanh nghiệp và thất thu ngân sách.

Để tiếp tục đà phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng như: tổ công tác về đầu tư; tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp; Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI...

Thành phố cũng xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025 và Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM giai đoạn 2020-2025.

“Chúng ta tập trung các việc sau đây: Tập trung rà soát thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế xã hội theo nghị quyết HĐND Thành phố để đảm bảo là chúng ta hoàn thành các chỉ tiêu này, nhất là các giải pháp để đảm bảo thu chi ngân sách của Thành phố. Chúng ta quyết tâm đến tháng 10 này, tất cả các đề án phải được đưa vào thực hiện. Tập trung quyết liệt triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội thành phố, rà soát bổ sung quy hoạch chung của Thành phố, Thành phố Thủ Đức”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhiều mặt của người dân, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về giá. Đồng thời, quan tâm triển khai các chương trình bình ổn thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần tập trung giải quyết các tồn tại, khó khăn trong thực hiện các gói an sinh xã hội có tiến độ chậm như gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

"Thành phố cần đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm chúng ta mới giải ngân 13%. Do đó cần tập trung cho 6 tháng cuối năm, để tạo động lực thúc đẩy kinh tế, trong đó có các đề án thuộc dự án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.

Bình luận