Chờ...

Xe buýt điện sắp hoạt động tại Hà Nội và TPHCM

(VOH) - Bên cạnh không phát thải ô nhiễm môi trường, không tiếng ồn, hành khách đi xe buýt điện cũng như những người cùng tham gia giao thông sẽ không cảm thấy khó chịu bởi mùi xăng dầu.

Trao đổi với VOH, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc VinBus cho biết, Tập đoàn Vingroup đã gửi UBND TPHCM và Sở GTVT xin phê duyệt Đề án Tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP HCM từ tháng 3/2020 với nội dung: Đăng ký vận hành 05 tuyến xe buýt sử dụng 100% năng lượng điện, không phát thải gây ô nhiễm môi trường. Các tuyến buýt đăng ký này đều nằm trong danh mục quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đã được UBND thành phố phê duyệt.

Xe buýt điện dự kiến sẽ hoạt động tải TPHCM và Hà Nội.
Xe buýt điện dự kiến sẽ hoạt động tại TPHCM và Hà Nội 

Xe buýt điện là loại hình lần đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, các yêu cầu điều kiện về kỹ thuật cũng như hạ tầng có sự khác biệt so với các loại xe buýt thông thường, đặc biệt là hạ tầng cung cấp năng lượng (trạm sạc). Do vậy, đơn vị tự đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt điện, bao gồm trạm, trung tâm điều hành, hệ thống trạm sạc, xưởng bảo dưỡng - sửa chữa phương tiện cũng như đội ngũ nhân sự vận hành.

Để chuẩn bị hoạt động tại TPHCM, VinBus đã thành lập chi nhánh tại TPHCM với đội ngũ nhân sự chủ chốt của Công ty từ tháng 5/2020 cũng như đã hoàn thành thủ tục và được sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hiện đơn vị cũng đã lên kế hoạch tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết để sẵn sàng đưa tuyến vào vận hành khi được UBND TP chấp thuận. Về phương tiện, xe Vinbus đang được sản xuất tại nhà máy VinFast Hải Phòng, làm thủ tục kiểm định với Cục đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm, điều khác biệt nhất đối với xe buýt điện là không phát thải, không tiếng ồn; khách đi xe cũng như những người cùng tham gia giao thông sẽ không cảm thấy khó chịu bởi mùi xăng dầu, tiếng ồn của xe buýt. Trên xe được trang bị nhiều công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn cũng như cung cấp các dịch vụ tiện lợi cho khách hàng như: Hệ thống kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn (lái xe không tập trung, buồn ngủ, mệt mỏi …). Bảng điện tử thông báo điểm dừng sắp tới; trang bị Wifi miễn phí, hệ thống màn hình thông tin giải trí trên xe; Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống vé điện tử, đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ, ví điện tử, QR code…); Ứng dụng hỗ trợ thông tin mạng lưới tuyến xe buýt của toàn Thành phố, giúp tra cứu thông tin tuyến đi tối ưu nhất.

Vấn đề khó khăn nhất để triển khai hoạt động của các tuyến xe buýt này, ông Thanh cho rằng xe buýt điện chưa từng hoạt động tại Việt Nam nên chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá để đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp theo Nghị định 32/2019 của Chính phủ. Mà muốn có định mức và đơn giá thì phải có kết quả hoạt động thực tế để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xây dựng và ban hành. Hiện Tập đoàn đang đề nghị UBND TP xem xét cho áp dụng tạm thời đơn giá của các loại xe buýt điện đang hoạt động (xe diesel, CNG) trong thời gian đầu vận hành cho đến khi ban hành định mức cho xe buýt điện.

Mới đây, được biết, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TPHCM. Đối với trường hợp xe buýt điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đấu thầu, đơn giá cung cấp sản phẩm dịch vụ cho loại hình này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND Hà Nội và UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.

Bình luận