Chờ...

Cầu chữ Y những ngày “một cổ hai tròng”

(VOH) - Sài Gòn đã chứng kiến biết bao sự kiện dọc theo chiều dài lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc.

Nghe bài viết:

Ngay sau khi bị Pháp đô hộ, Sài Gòn lại bị Nhật dòm ngó. Khi chiến sự thế giới có chuyển biến, Pháp bị quân Đức chiếm đóng, Nhật đã tăng sức ép với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, từng bước thực hiện ý đồ xâm lược khu vực này. Để rồi đến tháng 7/1941, những đơn vị quân đội đầu tiên của Nhật đã vào Sài Gòn. Chúng trưng dụng xe cộ, lừa ngựa, thuyền bè, nhà cửa, bắt phu, mộ lính, nhưng vẫn giữ nguyên và sử dụng bộ máy cai trị của thực dân Pháp.

Đông Dương, nhất là Nam Kỳ, Sài Gòn đã trở thành kho lương thực và căn cứ quân sự hạng ưu để Nhật xâm lược toàn bộ Đông Nam Á. Và như vậy, đồng bào ta nói chung, nhân dân Sài Gòn nói riêng đã rơi vào thảm cảnh “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp và Phát xít Nhật.

Cầu chữ Y xưa - Ảnh tư liệu.

Nhắc đến giai đoạn này, không thể không đề cập đến 1 cây cầu rất độc đáo ở Sài Gòn, là cầu Chữ Y. Cầu có 3 nhánh xếp theo hình chữ Y dài, khánh thành vào tháng 8/1941. Cầu chữ Y nằm ở “ngã tư” của các con rạch là rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi.

Cầu hiện nay nối liền 2 quận 5 và 8, nối các quận nội thành với các vùng phía Nam thành phố như Xóm Củi, Chánh Hưng, quận 7 và xa hơn nữa là Nhà Bè và Cần Giờ.

Do nằm ở vị trí bản lề của 2 khu vực Nam và Bắc TP nên cầu chữ Y đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của TP chúng ta.

Cách đây 71 năm, vào ngày 23/9/1945, quân và dân TP kiên cường giữ vùng cầu chữ Y không cho quân Pháp từ Chợ Lớn đánh chiếm ra phía quận 8. Mặt trận cầu chữ Y đã trở thành một “bức tường thép” án ngữ vùng này, gây cho địch nhiều thiệt hại. Và khi lực lượng cách mạng rút hết về căn cứ theo kế hoạch bảo toàn lực lượng thì quân Pháp mới chiếm được cầu.

Cầu chữ Y cũng gắn liền với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã giành quyền làm chủ cây cầu này trong đêm 30 rạng sáng 31/1/1968. Trong đợt 2 từ ngày 6 đến 12/05/1968, nhân dân địa phương kết hợp cùng bộ đội chủ lực đã tiến công và làm nên chiến công chói lọi 7 ngày đêm rực lửa tại cầu Chữ Y.

Khi ta nổ súng tấn công chiếm cầu, địch hốt hoảng điều đến hàng ngàn lính, có xe tăng và xe bọc thép mở đường cùng với máy bay yểm trợ trên không. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong 7 ngày đêm liền, lực lượng bộ đội chủ lực của ta chỉ có 1 tiểu đoàn cùng với sự chi viện tốt của nhân dân địa phương đã tiêu diệt được 500 tên địch, thiêu hủy được 10 xe tăng, xe bọc thép, bắn cháy 2 máy bay địch.

Sau những đau thương, mất mát, đến năm 1992, Ngành Giao thông công chánh của TP đã hợp tác với hãng Preyssinet của Pháp và công ty Thái Dương tiến hành sửa chữa cầu chữ Y trong 15 tháng. Tháng 10/1992, cầu chữ Y được sử dụng trở lại để phục vụ nhu cầu qua lại ngày càng cao của người dân TP.

Cầu chữ Y ngày này - Ảnh: Hiec.

Cầu chữ Y đã đi vào lịch sử cách mạng của nhân dân quận 8, mang những nét tiêu biểu của cả 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là 1 danh lam thắng cảnh độc đáo, nên thơ ở phía Tây – Nam TPHCM. Do kiến trúc độc đáo của cây cầu nên nhà thơ Đặng Hấn khi qua đây đã để lại mấy câu thơ rằng:

“ Người đi trên chữ

Chữ nâng người lên”

Bình luận