Chờ...

Đăng ký xét tuyển nguyện vọng trễ hạn, thí sinh xử lý sao?

(VOH) – Sắp hết thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn nhiều thí sinh chưa thực hiện thao tác này trên hệ thống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các trường, đồng thời khuyến cáo, nhắc nhở thí sinh nhanh chóng thực hiện đúng kế hoạch tuyển sinh năm 2022 tránh nhầm lẫn, sai sót làm mất đi cơ hội xét tuyển. Thí sinh không nên để sát thời gian mới đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển. 

Theo quy định, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn cuối 17 giờ 00 ngày 20/8. 

Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến, sau đó thoát khỏi Hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra lại kết quả đã đăng ký, điều chỉnh. Sau khi đăng ký xét tuyển, các em vẫn tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần. 

Thí sinh cần nhanh chóng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 
Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2022 - Ảnh: Hồng Nhung 

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khuyên thí sinh: “Trong trường hợp thí sinh chưa đăng ký, thời điểm này thí sinh cần tranh thủ thời gian những ngày còn lại để đăng ký cho kịp tiến độ. Còn đối với thí sinh đã đăng ký rồi, các bạn nên kiểm tra trên hệ thống có mục in xuất ra các nguyện vọng, thí sinh xem lại các nguyện vọng mà mình muốn đăng ký so với các nguyện vọng mình thao tác trên hệ thống có đúng không, nếu có sai sót thí sinh có thể điều chỉnh kịp thời”.

Theo Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Gia Định, thí sinh nên chọn nguyện vọng sớm, không chờ đến ngày cuối mới đăng ký để tránh các rủi ro về mặt kỹ thuật cũng như hệ thống bị quá tải. 

Đồng thời, thời điểm này thí sinh cũng nên cân nhắc kỹ lại các ngành mình yêu thích để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngay nguyện vọng 1. Vì khi xét nguyện vọng bổ sung thì nguyên tắc là điểm trúng tuyển sẽ bằng hoặc cao hơn điểm nguyện vọng 1 và tỷ lệ để xét nguyện vọng bổ sung rất thấp: “Lời khuyên của tôi trong thời điểm này là các em bình tĩnh lựa chọn những nguyện vọng cao nhất, cần cân nhắc đặt 3 nguyện vọng đầu vào các trường, để tránh mất nhiều thời gian cho các thao tác và tốn thêm chi phí. Tốt nhất, thí sinh đăng ký từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3. Hy vọng các em sẽ chọn được ngành, trường mà mình yêu thích”. 

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) cũng lưu ý thí sinh cần phân biệt các mốc thời gian. Trong đó, mốc thời gian quan trọng hiện tại chính là đến hết ngày 20/08, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. 

Một lần nữa, thí sinh phải sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng từ trên cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, kế đến là nguyện vọng 2, nguyện vọng 3...cũng là thứ tự những ngành thí sinh thực sự muốn vào học, nhất là phù hợp với mức điểm của mình” - Thạc sĩ Trường An đưa ra lời khuyên. 

Thí sinh cần đặc biệt chú ý các thời hạn để tránh các rủi ro về kỹ thuật nếu có, đó là thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước hạn cuối 17 giờ ngày 20/8. Từ ngày 21/8 đến 17 giờ 00 ngày 28/8, nộp lệ phí xét tuyển đối với các nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển.

Còn đối với các nguyện vọng theo phương thức xét tuyển khác, thí sinh thực hiện theo quy định của các trường. Trước 17 giờ ngày 30/9, tất cả thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống.

Bình luận