Chờ...

Tuyển sinh 2020: Trường Đại học Luật TPHCM không tổ chức thi đánh giá năng lực

(VOH) - Năm 2020, trường Đại học Luật TPHCM không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển mà chỉ xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.

Đây là một trong những điểm mới trong kỳ tuyển sinh 2020 của trường Đại học Luật TPHCM.

Cụ thể, trường Đại học Luật TPHCM tạm dừng phương thức thi đánh giá năng lực sau 4 năm tổ chức để đánh giá toàn diện. Đồng thời, tuyển sinh theo 2 phương thức là xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Trường dành 25% tổng chỉ tiêu xét tuyển thẳng đối với thí sinh thuộc diện được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật) hoặc SAT (Scholastic Assessment Test); thí sinh học tại các trường THPT chuyên, năng khiếu; thí sinh học tại các trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất trong các năm 2017, 2018 và 2019.

75% chỉ tiêu còn lại trường xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của trường Đại học Luật TPHCM như sau:

trường Đại học Luật TPHCM, Tuyển sinh năm 2020

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường Đại học Luật TPHCM

Năm 2020, trường sẽ đa dạng hóa các chương trình đào tạo. Bên cạnh các chương trình đào tạo đại trà, đào tạo chất lượng cao (tăng cường tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật), Nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyển sinh và đào tạo các chương trình liên thông giữa 3 ngành: Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý).

Theo đó, sau khi đã học xong học kỳ thứ 3 chương trình đào tạo của ngành thứ nhất sinh viên được đăng ký học liên thông sang ngành thứ 2. Cụ thể: Ngành Luật liên thông sang ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý) hoặc sang ngành Quản trị kinh doanh: Ngành Ngôn ngữ Anh liên thông sang ngành Luật (hệ đại trà hoặc chất lượng cao); Ngành Quản trị kinh doanh liên thông sang ngành Luật (hệ đại trà) hoặc sang ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý).

Việc học liên thông được bắt đầu từ học kỳ thứ 4 đến học kỳ thứ 10, tính theo khóa đào tạo của ngành thứ nhất. Nếu sinh viên tích lũy đủ và đạt các học phần trong cả 2 Chương trình sẽ được cấp 2 văn bằng: bằng cử nhân ngành thứ nhất và bằng cử nhân ngành liên thông (tùy theo Chương trình mà sinh viên theo học);

Cũng từ năm học 2020-2021, Trường nâng chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh theo chương trình TOEIC quốc tế của sinh viên theo học các ngành đào tạo của Nhà trường lên 50 điểm. Tùy theo Khoa/ngành/chương trình đào tạo mà sinh viên theo học, trình độ tiếng Anh của sinh viên phải đạt từ 500-650 điểm theo chuẩn TOEIC quốc tế (hoặc TOEFL, IELTS tương đương).

Học phí năm học 2020-2021 của trường dự kiến là 18 triệu đồng/năm với lớp đại trà; lớp Anh văn pháp lý 36 triệu đồng/năm; lớp chất lượng cao ngành Luật và Quản trị kinh doanh 45 triệu đồng/năm; lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật 49,5 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Kinh tế - Luật triển khai 03 chương trình song ngành liên trường - Năm 2020, trường Đại học Kinh tế - Luật tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển cho 41 chương trình đào tạo trong nước, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh là 2020 sinh viên.

Tuyển sinh 2020: Trường Đại học Quốc tế miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có bằng IELTS, TOEFL iBT - Sáng nay (4/1), trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG-HCM) đã công bố các phương thức tuyển sinh (dự kiến) và cách thức thi tuyển năm 2020 của nhà trường.

Bình luận