Chờ...

Tuyển sinh 2021: Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh 960 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo

(VOH) - Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh 960 chỉ tiêu trong phạm vi cả nước trong năm 2021

Năm 2021, Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh theo 4 phương thức.

* Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT

- Các đối tượng xét tuyển thẳng được quy định tại Quy chế tuyển sinh hệ chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia những môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của Trường thì được tuyển thẳng vào các ngành có môn đó.

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia được tuyển thẳng vào các ngành thuộc Khối ngành V của Trường.

* Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ THPT):

- Tuyển thẳng đối với thí sinh:

+ Tốt nghiệp THPT từ năm 2016 đến năm 2021 có 03 năm lớp 10, 11 và 12 học THPT đạt danh hiệu học sinh Giỏi (học lực Giỏi và hạnh kiểm Tốt);

+ Có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (còn thời hạn đến thời điểm xét tuyển) hoặc thí sinh đã học THPT liên tục 3 năm ở các nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính hoặc thí sinh học các chương trình THPT nước ngoài ở các trường THPT quốc tế tại Việt Nam liên tục 3 năm được xét tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh.

+ Không hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển này.

- Xét tuyển:

+ Điều kiện xét tuyển: thí sinh có tổng điểm trung bình cả năm các môn học của năm lớp 11 và lớp 12 trong tổ hợp xét tuyển từ 18,0 trở lên, trong đó không có môn nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả dưới 5,0.

+ Điểm xét tuyển (ĐXT): được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

ĐXT = (tổng điểm theo THXT lớp 11 + tổng điểm theo THXT lớp 12)/2 + ĐƯT (nếu có)

Trong đó:

+ Tổng điểm theo THXT: là tổng điểm trung bình cả năm học của các môn học trong tổ hợp xét tuyển.

+ ĐƯT: là điểm ưu tiên đối tượng theo quy định hiện hành (không tính điểm ưu tiên khu vực)

* Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia

- Điều kiện xét tuyển: thí sinh có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Trường và không có bài thi/môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

- Điểm xét tuyển (ĐXT): được làm tròn đến hai chữ số thập phân

Điểm xét tuyển = tổng điểm theo tổ hợp xét tuyển + điểm ưu tiên

Trong đó:

+ Tổng điểm theo tổ hợp xét tuyển: là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển. Điểm bài thi Khoa học Xã hội, Khoa học tự nhiên là điểm trung bình cộng của các môn thi thành phần.

+ Điểm ưu tiên: là điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định hiện hành.

Lưu ý: Trường không sử dụng kết quả miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia và điểm thi bảo lưu để xét tuyển.

- Xét trúng tuyển: Trường xét trúng tuyển theo Điểm xét tuyển từ cao xuống thấp và xét bình đẳng giữa các nguyện vọng đăng ký trong cùng ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điểm trúng tuyển vào ngành là điểm chuẩn chung cho các tổ hợp xét tuyển của ngành.

* Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM

- Điểm xét tuyển:

Điểm xét tuyển = điểm kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM + điểm ưu tiên

Trong đó:

+ Điểm kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG: điểm của thí sinh dự thi năm 2021, không sử dụng kết quả các năm trước.

+ Điểm ưu tiên = điểm khu vực + điểm đối tượng ưu tiên.

+ Cách tính khu vực và đối tượng ưu tiên dựa theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 40 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 10 điểm theo thang điểm 1200. Nhóm ưu tiên 1 được cộng 80 điểm, nhóm ưu tiên 2 được cộng 40 điểm. Khu vực 1 được cộng 30 điểm, khu vực 2-nông thôn được cộng 20 điểm, khu vực 2 được cộng 10 điểm, khu vực 3 không được cộng điểm.

- Xét trúng tuyển: thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Trường xét trúng tuyển theo Điểm xét tuyển từ cao xuống thấp. Trường hợp thí sinh bằng điểm trúng tuyển ở cuối danh sách thì Trường sẽ ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển theo nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, mỗi phương thức được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng. Tuy nhiên, mỗi phương thức xét tuyển sẽ có thời gian nộp hồ sơ và thời hạn công bố kết quả khác nhau. Nếu thí sinh trúng tuyển theo phương thức này và đã làm thủ tục “xác nhận nhập học” thì không được quyền đăng ký xét tuyển theo các phương thức còn lại nữa. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nhưng không làm thủ tục xác nhận nhập học thì sẽ bị Học viện hủy kết quả và có thể đăng ký xét tuyển tiếp bằng các phương thức còn lại.

Ví dụ: Thí sinh đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng THPT QG. Tuy nhiên, khi thí sinh trúng tuyển theo phương thức học bạ và làm thủ tục xác nhận nhập học thì sẽ bị loại khỏi hệ thống đăng ký nguyện vọng THPT QG và không được xét tuyển vào bất kì ngành nào và trường nào khác.

- Trong một phương thức xét tuyển, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trên thì các nguyện vọng sau không được xét nữa, bất kể thí sinh có đủ điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng còn lại.

* Ngành đào tạo, chỉ tiêu và tổ hợp môn xét tuyển

Học viện Hàng không Việt Nam
Ngành đào tạo, chỉ tiêu và tổ hợp môn xét tuyển năm 2021 của Học viện Hàng không Việt Nam (Ghi chú: * là ngành mới mở năm 2021)

Lưu ý: Chỉ tiêu xét theo kết quả thi đánh giá năng lực và theo kết quả học tập THPT có thể thay đổi tùy thuộc vào số lượng đăng ký của các thí sinh.

Bình luận