Chờ...

Tuyển sinh 2023: Trường Đại học Việt Đức tiếp tục tổ chức thi tuyển bằng bài thi TestAS

(VOH) - Năm 2023, Trường Đại học Việt Đức (VGU) tuyển sinh theo 5 phương thức, tương tự như năm 2022, trong đó, trường tiếp tục sử dụng phương thức thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS).

TestAS là tên viết tắt của kỳ thi "Test für Ausländische Studierende" (tiếng Đức) hay "Test for Academic Studies" (tiếng Anh). Là một bài thi đánh giá năng lực, TestAS không nhắm đến kiểm tra trực tiếp các kiến thức mà tập trung vào đánh giá các kỹ năng nhận biết, suy luận và xử lý vấn đề.

VGU cho biết, một trong những đặc thù của bài thi đánh giá năng lực như TestAS là tính dự đoán về khả năng thành công của thí sinh khi theo học một chuyên ngành nào đó. Tại VGU, bài thi này đã được sử dụng hơn 10 năm qua và được xem là một trong những phương pháp tuyển sinh chính của nhà trường.

đánh giá năng lực, Trường Đại học Việt Đức
Sinh viên Trường Đại học Việt Đức

Trong kỳ tuyển sinh 2023, trường Đại học Việt Đức sẽ sử dụng 5 phương thức tuyển sinh là: Thi tuyển đầu vào bằng bài thi TestAS; Xét học bạ THPT; Xét tuyển thẳng; Xét Chứng chỉ THPT quốc tế và Xét điểm thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Phương thức 1 (TestAS): Thực hiện theo hình thức thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS), được tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của Trường.

Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.

Phương thức 2 (Học bạ THPT): Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT đối với các thí sinh sẽ tốt nghiệp các trường THPT tại Việt Nam trong năm tuyển sinh. Dự kiến Xét tuyển theo 5 môn gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Anh, Văn và 2 môn tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Tin Học, Sử, Địa). Dự kiến, 2023, thí sinh đạt Ielts 6.0 và điểm trung bình 5 môn đạt 8.5 sẽ được xét tuyển thẳng.

Phương thức 3 (Tuyển thẳng): Xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, bao gồm các thí sinh đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi bậc THPT cấp tỉnh/quốc gia hoặc tham gia trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.

Phương thức 4 (Chứng chỉ THPT quốc tế): Xét tuyển đối với các thí sinh có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế (IBD, A/AS-Level/IGCSE, WACE…) hoặc chứng chỉ của các bài thi năng lực quốc tế (SAT, TestAS…).

Phương thức 5 (Kết quả tốt nghiệp THPT): Thực hiện theo hình thức xét tuyển căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.

Thí sinh được phép tham gia nhiều phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân theo các mốc thời gian tuyển sinh và nhập học được quy định cho mỗi đợt tuyển sinh.

Đối với thí sinh tham gia dự tuyển bằng nhiều phương thức, kết quả trúng tuyển và học bổng cho từng phương thức được xác định độc lập với nhau. Thí sinh đã nhập học sẽ không được tiếp tục xét tuyển theo phương thức khác ngoại trừ trường hợp chuyển ngành.

Trường Đại học Việt Đức (VGU) là trường đại học công lập hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức.

Theo số liệu thống kê của VGU, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm hoặc tiếp tục học lên bậc cao hơn là 98%. Trong đó, 63% học cao học tại VGU hoặc Cộng hòa liên bang Đức và một số nước khác trên thế giới. 12% vừa học cao học vừa đi làm và 22% làm việc toàn thời gian…

Hiện nay, trường có 2.400 sinh viên Việt Nam và 70 sinh viên Quốc tế đến từ Đức và các nước trên thế giới. Với 7 ngành bậc cử nhân và 9 ngành bậc thạc sĩ trong các lĩnh vực khoa học máy tính, khoa học kỹ thuật, kiến trúc xây dựng, kinh tế & quản lý.

Trường dự kiến sẽ có quy mô sinh viên ở mức 6.000 sinh viên vào năm 2030.

Bình luận