Tỷ giá tuần 8/1-14/1: USD biến động trái chiều, yen Nhật có giai đoạn yếu hơn với cả USD và euro

VOH - Tuần qua với việc công bố một số dữ liệu lạm phát ở Mỹ, đồng USD trải qua các đợt tăng giảm đan xen. Yen Nhật vừa mạnh lên đã tiếp tục chịu áp lực từ USD, gần giữa tuần yếu đi so với euro.

Đầu tuần, USD giữ vị thế ổn định trong khi yen Nhật chật vật với mức thấp. Đô la Australia và New Zealand tiếp tục đà giảm của tuần trước.

Sự phục hồi của đồng bạc xanh được củng cố bởi sự phục hồi của lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ khi các nhà giao dịch giảm kỳ vọng về tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay.

Thị trường đầu tuần chờ đợi báo cáo về chỉ số CPI của Mỹ công bố vào thứ Năm để tiếp tục đưa ra suy đoán cho khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành giảm lãi suất cũng như mức độ cắt giảm.

Đồng bảng Anh và euro đầu tuần có sự tăng giá lạc quan.

tỷ giá tuần 8-1 14-1-2024
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters

Phiên tiếp theo, USD giảm nhẹ khi các nhà giao dịch tái khẳng định đặt cược vào một loạt đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong năm nay với niềm tin rằng lạm phát ở Mỹ đang chậm lại. Khảo sát kỳ vọng người tiêu dùng mới nhất của Fed New York cho thấy dự báo lạm phát của người tiêu dùng Mỹ trong ngắn hạn đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm vào tháng 12.

Các ngoại tệ euro, bảng Anh, yen Nhật, đô la Australia và New Zealand được đà tăng giá.

Phiên giao dịch hôm thứ Tư, đồng USD tăng trở lại ngay sát thời điểm công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ. Báo cáo lạm phát giá tiêu dùng CPI cho tháng 12 là tâm điểm của dữ liệu kinh tế trong tuần. Dự kiến sẽ cho thấy lạm phát tăng 0,2% trong tháng và 3,2% trên cơ sở hàng năm.

Đà tăng của USD đẩy euro, bảng Anh và yen sụt giảm trở lại.

Sự suy yếu của các ngoại tệ này cũng do tác động từ các dữ liệu kinh tế khu vực.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cố gắng duy trì lãi suất ở mức cao kỷ lục trong một thời gian, nhưng có thể sẽ phải chịu áp lực phải nới lỏng chính sách tiền tệ do sự yếu kém của nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Lạm phát khu vực đồng euro đã tăng lên 2,9% trong tháng 12 từ mức 2,4% trong tháng 11, dữ liệu cho thấy vào thứ Sáu tuần trước.

Ở châu Á, dữ liệu hôm thứ ba cho thấy lạm phát cốt lõi ở thủ đô của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12, gây áp lực cho Ngân hàng Nhật Bản về việc thoát khỏi chính sách tiền tệ cực nới lỏng.

Phiên tiếp theo, USD suy yếu so với yen Nhật, trong khi yen Nhật lại yếu đi so với euro, với việc đồng yen xuống mức thấp nhất trong 6 tuần so với đồng euro. Đồng đô la Australia và đô la New Zealand đều cao hơn.

Yen Nhật yếu đi so với euro do dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy mức lương thực tế của công nhân Nhật Bản đã giảm tháng thứ 20 liên tiếp trong tháng 11.

Cuối ngày thứ Năm 11/1, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố. CPI tăng 0,3% trong tháng và tăng 3,4% hàng năm, so với dự báo của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters về mức tăng lần lượt là 0,2% và 3,2%.

Số liệu CPI đã khiến USD trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu đi xuống. Chỉ số đô la Mỹ phiên này giảm khỏi mức cao nhất hôm thứ Năm là 102,76 nhưng cao hơn mức thấp nhất trong 5 tháng là 100,61 đạt được vào tháng 12.

Đồng euro và bảng Anh trong phiên này tăng nhẹ, yen Nhật ít thay đổi.

Phiên cuối tuần, USD giảm sau khi giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12, làm tăng kỳ vọng về việc Mỹ sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Chỉ số giá sản xuất PPI cho nhu cầu cuối cùng của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng trước sau khi giá hàng hóa giảm, trong khi giá dịch vụ không đổi, làm tăng cơ hội lạm phát sẽ xuống thấp hơn trong những tháng tới.

Điều này dẫn tới việc các nhà đầu tư tăng đặt cược cho một đợt giảm lãi suất vào những tháng tới. Hợp đồng tương lai lãi suất quỹ Fed đang cho thấy 79% khả năng giảm lãi suất diễn ra vào tháng 3, tăng lên từ mức 73% ghi nhận hôm thứ Năm, theo khảo sát của công cụ FedWatch của CME Group.

Cùng đà giảm với USD ở phiên này là đồng euro. Đồng yen Nhật trái lại mạnh lên so với USD.

Bình luận