APEC tạo xung lực giúp châu Á-Thái Bình Dương phục hồi hậu COVID-19

(VOH) - Diễn ra từ ngày 8-12/11 bằng hình thức trực tuyến, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 là hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nền kinh tế APEC dự kiến sẽ thảo luận về hai nội dung chính là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch và thông qua Tuyên bố của Hội nghị và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC trong hai thập niên tới. Đây được đánh giá là một dấu ấn của Năm APEC 2021 mà New Zealand đảm nhiệm cương vị chủ tịch. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự sự kiện này. Bài của Nhà báo Nguyệt Minh:

Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm nay là “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID-19 và làm thế nào để đảm bảo các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”.  

APEC tạo xung lực giúp châu Á-Thái Bình Dương phục hồi hậu COVID-19 1

Các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28. Ảnh: MOF

Tuần lễ cấp cao APEC 28 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều thách thức mới do dịch COVID-19 tái bùng phát với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực, song còn bấp bênh và không đồng đều. Vì thế, các nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế.

Trong bài phát biểu quan trọng trước các doanh nghiệp toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2021, hội nghị doanh nghiệp lớn nhất của khu vực diễn ra ngay trước Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, bà Ardern thừa nhận các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt với quy mô tác động của đại dịch, sự bất bình đẳng mà nó gây ra ảnh hưởng đến con người và nhiều thách thức khác. Nhưng khi thế giới đang từng bước vượt qua đại dịch, các quốc gia lại đang đứng trước các lựa chọn trong việc ứng phó với những thách thức kinh tế trước mắt.

Thủ tướng New Zealand khẳng định, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch, điều quan trong là cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo tiền đề cho sự phục hồi công bằng, toàn diện và bền vững, đầu tư vào con người và hành tinh của chúng ta thông qua các ý tưởng đổi mới và quyết tâm đổi mới. Với vai trò chủ nhà APEC 2021, New Zealand đã xác định chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng” cho năm APEC 2021, tập trung vào ba ưu tiên: các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa. 

Bà Arden nêu ra ba lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp có thể cùng hợp tác để đạt được sự phục hồi kinh tế và vượt qua những cú sốc kinh tế trong tương lai.

Lĩnh vực thứ nhất là phát huy hiệu quả và năng suất thông qua đổi mới kỹ thuật số mang lại. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, quá trình chuyển đổi số đã được đẩy nhanh nhiều năm.

Lĩnh vực thứ hai là bảo đảm quá trình phục hồi mang tính bao trùm. Nơi làm việc và các doanh nghiệp phải tiếp nhận tất cả mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và người dân bản địa, những người làm việc hiệu quả và có nhiều đóng góp nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Lĩnh vực thứ ba cần tăng cường hợp tác kinh doanh và chính trị là bảo đảm tính bền vững về môi trường.

APEC được thành lập năm 1989 với sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1994, APEC thông qua các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020.

Mục tiêu này đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC trong suốt hơn 25 năm và trở thành “kim chỉ nam” cho việc xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn và năng động nhất thế giới. Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, và hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

​Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, cho đến nay APEC đã có 21 thành viên, trong đó có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, 9 thành viên trong nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực.

Vào tháng 11/2020, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua tầm nhìn mới, Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới “một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”. Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định tổ chức có vai trò là diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương giúp thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.

Kể từ khi gia nhập APEC vào năm 1998, Việt Nam đã thể hiện vai trò là một thành viên tích cực và trách nhiệm với những đóng góp đầy ý nghĩa thúc đẩy hợp tác APEC. Nổi bật là việc Việt Nam đã hai lần tổ chức thành công diễn đàn vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số …

Trong năm nay, Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng New Zealand và các thành viên APEC thúc đẩy các ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2021 thông qua việc đề xuất, xây dựng và thúc đẩy các biện pháp, cam kết hợp tác của APEC trong ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế bền vững, bao trùm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 một lần nữa thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của đất nước, nhất là đảm nhiệm thành công các trọng trách đa phương nhằm thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bình luận