Chờ...

Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

(VOH) - Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đã bước vào một giai đoạn căng thẳng mới khi lần đầu tiên Mỹ bày tỏ thái độ rõ ràng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đây là tuyên bố quan trọng, làm rõ chính sách của Mỹ tại Biển Đông, và cũng là tuyên bố nhận được sự đồng thuận của Lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Với nhiều “va chạm” trong thời gian gần đây, sự thay đổi trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông dự báo quan hệ Mỹ-Trung sẽ bước vào một cục diện mới khó đoán định.

Trước hết phải khẳng định rằng việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần đầu tiên đưa ra một tuyên bố thẳng thắn, thể hiện lập trường rõ ràng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông vào thời điểm này, không phải là một sự ngẫu nhiên. 4 năm sau Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, vẫn xảy ra những hoạt động phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Lẽ dĩ nhiên, cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ trước việc luật pháp quốc tế liên tục bị chà đạp. 

Với thái độ rõ ràng, thẳng thắn như lần này, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện một sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với tuyến đường hàng hải huyết mạch này. 

Thông điệp Mỹ muốn chuyển tới các quốc gia, đó là: Mỹ muốn luật pháp được thực thi, đảm bảo quyền lợi chung của các quốc gia theo Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982. Đồng thời, lập trường rõ ràng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông cũng dự báo những “gai góc” mới trong quan hệ Mỹ-Trung. 

Cạnh tranh địa chiến lược giữa hai cường quốc đang bị đẩy lên một nấc thang căng thẳng mới khó bề kiểm soát. 6 tháng gần đây, dư địa trong quan hệ Mỹ-Trung luôn ở trạng thái bấp bênh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều điểm tương đồng đến kỳ lạ - Ảnh: AFP

Người ta đã chứng kiến những hành động được cho là "đáp trả lẫn nhau" giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Hồi đầu tháng 5, Mỹ ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Còn Trung Quốc tuyên bố trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ. Mỹ đã hủy bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Những xung đột giữa Washington và Bắc Kinh trải dài trên nhiều lĩnh vực, thương mại, công nghệ cao, an ninh, cách xử lý COVID-19… Sự khác biệt về quan điểm, lập trường, về cách thức ứng phó với dịch bệnh ngày càng đẩy Mỹ và Trung Quốc trở thành hai đường thẳng song song… mà cốt lõi là những cạnh tranh chiến lược quyết liệt, khiến hai bên không thể nhượng bộ. 

Căng thẳng Mỹ-Trung đã tác động tới cả những mối quan hệ khác. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14/7 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố, Mỹ đã thuyết phục nhiều nước, trong đó có Anh không sử dụng các thiết bị của Huawei của Trung Quốc cho mạng 5G của nước này.

Thậm chí, trong một động thái mới nhất, Mỹ còn lên tiếng hoan nghênh quyết định của Anh nhằm loại bỏ sự liên quan của công ty công nghệ Huawei trong hạ tầng mạng 5G của Anh. Động thái bất ngờ “cấm cửa” Huawei của Anh được coi là một chiến thắng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi thời gian gần đây, Mỹ đã gia tăng sức ép với các đồng minh trong việc loại bỏ các thiết bị của Huawei trong mạng viễn thông với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Trước sức ép của Mỹ, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đảo ngược quyết định hồi tháng 5 của ông, trong đó cho phép Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G ở nước này, nhưng tập đoàn Trung Quốc bị giới hạn ở mức 35% và sẽ không được tiếp cận các hệ thống lõi "nhạy cảm".

Nhìn tổng thể, giờ đây, cuộc đọ sức Mỹ-Trung không còn là vấn đề kinh tế, thương mại mà còn là cả vấn đề hệ tư tưởng và tư duy “lãnh đạo toàn cầu”. Những gì đang diễn ra phản ánh một thực tế: Quan hệ Trung - Mỹ đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. 

Vậy quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu? 

Hiện chưa ai có thể trả lời câu hỏi này. Theo bình luận của tờ Thế giới (Pháp), “bối cảnh Mỹ-Trung đối đầu hiếm khi mang lại điều gì thuận lợi và tốt đẹp”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID19 đang tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc gia. 

Xét cho cùng, cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung không thể cứu vãn nền kinh tế toàn cầu và giúp thế giới chiến thắng đại dịch. Trong bối cảnh Trung - Mỹ ngày càng công khai hơn trong việc áp dụng tư duy cạnh tranh chiến lược cường quốc, việc gỡ nút thắt trong quan hệ giữa hai bên sẽ không đơn giản nếu như không bên nào nhượng bộ. 

Với những động thái mới của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, giới phân tích cho rằng điều kiện tiên quyết tháo gỡ căng thẳng hiện nay đó là câu chuyện đối thoại trên tinh thần hợp tác rộng mở. Muốn làm được điều đó, chẳng có cách nào khác là tất cả các quốc gia đều phải thượng tôn pháp luật quốc tế.

Bình luận