Chờ...

Châu Á đối phó với làn sóng COVID mới

(VOH) - Thế giới đang chứng kiến những kỷ lục buồn về COVID-19 với hơn 19 triệu người nhiễm bệnh, trong đó hơn 710 ngàn người từ vong.

Đáng lo ngại, những ổ dịch COVID-19 mới liên tiếp xuất hiện, số ca mắc mới trong cộng đồng tăng nhanh ở các quốc gia châu Á.

Giới khoa học nhận định làn sóng COVID-19 thứ hai, thậm chí thứ ba đang tấn công nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, đưa khu vực này vào giai đoạn chống dịch mới đầy thách thức.

Châu Á đối phó với làn sóng COVID mới

Châu Á đối phó với làn sóng COVID mới

Philippines ngày 4/8 thông báo thêm 6.352 ca mắc mới, số ca bệnh mới ghi nhận trong ngày cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và cao thứ ba thế giới (sau Mỹ và Ấn Độ). Trong khoảng 1 tuần qua, số ca nhiễm mới trong ngày ở quốc gia Đông Nam Á này tăng liên tiếp từ mức trên 4.000 lên hơn 5.000 và nay đã vượt qua 6.000 ca. Indonesia cũng là một điểm nóng dịch ở khu vực khi liên tiếp ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày và số ca tử vong nhiều nhất Đông Nam Á, riêng ngày 4/8 là 86 ca, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia rộng lớn và đông dân nhất khu vực lên 5.388 ca, trong số 115.056 ca nhiễm.

Làn sóng lây nhiễm mới cũng xuất hiện tại Đông Bắc Á, khu vực vốn đã kiểm soát hiệu quả được làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Trong những ngày qua, Nhật Bản ghi nhận số bệnh nhân COVID- 19 tăng mạnh, trong đó có những ngày hơn 1.000 ca nhiễm mới. Riêng thủ đô Tokyo liên tục phát hiện trên 300 ca một ngày, ngày 1/8 thậm chí ghi nhận 472 ca, mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1. Còn tại Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 4, số ca mắc mới hằng ngày ở Trung Quốc vượt con số 100.  Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh tại Ấn Độ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Á, vẫn hết sức phức tạp, số ca nhiễm mới hằng ngày vẫn rất cao (hơn 23.000 ca ngày 4/8) và hơn 200 người tử vong.

Tình trạng dịch bệnh tái bùng phát tại nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á trong gần 1 tháng qua đã khiến số ca mắc COVID-19 ở khu vực này tăng nhanh. Hiện châu Á đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19 với 4.555.058 ca tính đến hết ngày 4/8, chỉ sau khu vực Bắc Mỹ.

Lý giải về làn sóng dịch thứ hai tấn công châu Á, giới chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân là từ những ca ngoại nhập. Tại Hàn Quốc, đây là một trong những yếu tố chính dẫn tới đợt lây nhiễm mới nhất ở nước này. Gần 20 người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tàu đánh cá nước ngoài cập cảng Hàn Quốc đã tiếp xúc với khoảng 200 người, từ đó gây ra các chùm lây nhiễm. Những ổ dịch mới tại hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang của Trung Quốc được cho cũng bắt nguồn từ các ca ngoại nhập.

Ngoài ra, làn sóng thứ hai có cơ hội bùng phát là do không đảm bảo được giãn cách xã hội sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng như tại Nhật Bản, đợt bùng phát mới được cho bắt nguồn từ các quán bar, hàng karaoke, nơi rất đông người, nhân viên và khách hàng thường xuyên tiếp xúc gần.

Các chuyên gia cũng cho rằng chính tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác xuất hiện trong cuộc chiến dài lâu với dịch bệnh là một phần nguyên nhân khiến COVID-19 tái bùng phát. Nhiều người dân có dấu hiệu ho, sốt tỏ ra không quan tâm với suy nghĩ rằng “COVID-19 đã được kiểm soát”. Một cuộc thăm dò do nhóm nghiên cứu Đại học Y Tokyo thực hiện tại Nhật Bản cho thấy khoảng 60% người có các triệu chứng giống như cảm lạnh vẫn đi làm bất chấp việc chính phủ nước này đã yêu cầu không làm như vậy. Đáng lo ngại, các nhà khoa học xác định hiện virus SARS-CoV-2 đã biến chủng khó lường. Như chủng virus SARS-CoV-2 ở Hong Kong trong làn sóng dịch thứ ba này được đánh giá có khả năng lây nhiễm tăng 31% so với trước đây, tương tự như chủng mới phát hiện ở Đà Nẵng. Số ca bệnh không có triệu chứng ngày càng tăng, dẫn tới “sự lây nhiễm thầm lặng” khó kiểm soát.

Nhiều quốc gia châu Á đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa, kiểm soát đi lại, thực hiện giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang… Đơn cử như Philippines đã tái áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận từ ngày 4/8, hay Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trước làn sóng lây nhiễm thứ hai ở châu Á, Giáo sư Ben Cowling của Đại học Hong Kong khẳng định, cần duy trì việc giãn cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang. Một yếu tố quan trọng để chuẩn bị đối đầu với làn sóng thứ hai chính là mở rộng năng lực xét nghiệm và tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Một số quốc gia sẽ phải tìm cách cân bằng giữa khôi phục kinh tế và kiểm soát dịch bệnh ở mức hệ thống y tế công cộng có thể xử lý được. Đại dịch COVID-19 chính là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải tiếp tục tái đầu tư vào y tế công cộng để các quốc gia có thể trong trạng thái sẵn sàng đối phó với mọi dịch bệnh.

Dù châu Á đang vất vả chống chọi với làn sóng COVID-19 thứ hai, nhưng giới phân tích nhận định châu Á có khả năng kiểm soát dịch tốt “chừng nào các quốc gia có thể xác định các ca mắc bệnh và dập tắt những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng”. Bởi về tổng thể, châu Á đang làm rất tốt nhờ vào sự ủng hộ của cộng đồng, và trách nhiệm của các chính phủ.

Giới chuyên gia hy vọng châu Á có thể vượt qua đại dịch như đã từng kiểm soát tốt trong đợt đầu tiên bùng phát.

              Nguyệt Minh

Kéo giảm tai nạn giao thông, cần quyết liệt hơn nữa - (VOH) - Giảm tai nạn là thông tin tích cực, nhưng cần phải thấy rằng, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước vẫn được đánh giá là diễn biến phức tạp.

 

Bình luận