Chờ...

Đức chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU - Khó khăn chồng chất

Từ ngày 1/7, Đức chính thức tiếp quản chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU).

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Đức sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề lớn mà EU đang phải đối mặt. Sức ép đang đè nặng vào Đức, vào cá nhân Thủ tướng Angela Merkel trong 6 tháng tới.

Cách đây 13 năm, Đức đã từng làm chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Thời điểm đó, EU đối mặt với vô vàn thách thức với việc cử tri Pháp và Hà Lan nói "Không" với bản Hiến pháp mới của EU. Khi Đức kết thúc nhiệm kỳ, Thủ tướng Merkel đã nhận được những lời khen ngợi vì thông qua các cuộc đàm phán đã đưa lộ trình cải cách của EU trở lại đúng hướng, đặc biệt về chính sách khí hậu. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại năm 2020 này, chưa bao giờ EU lại phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức như vậy, từ khủng hoảng do đại dịch COVID-19, đến vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU), khí hậu, người di cư, quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ... Dù Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ rút lui khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay sau cuộc bầu cử năm 2021, song điều chắc chắn là bà không muốn chính sách đối ngoại của mình bị chệch hướng.

Đức chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU - Khó khăn chồng chất

Thủ tướng Angela Merkel cho biết ứng phó với COVID-19 là một trong những ưu tiên của Đức trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. (Ảnh: Politico)

Thách thức lớn nhất hiện nay là chèo lái con thuyền EU vượt qua khủng hoảng đại dịch COVID-19. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một quỹ tái thiết trị giá 750 tỷ euro, trong đó hai phần ba trong số này là dành các khoản tài trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như Italia và Tây Ban Nha), phần còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. Hiện các nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hạn mức, điều kiện hay thời hạn cụ thể của gói cứu trợ. Đặc biệt có 4 nước không muốn triển khai giải pháp này là Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Khoản tiền 750 tỷ euro trên sẽ được 27 nước EU đàm phán trong ngân sách giai đoạn 2021-2027 tại cuộc họp dự kiến vào ngày 17/7 tới. Bộ Tài chính Đức kỳ vọng EU có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 7, tháng đầu tiên Đức giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, bởi Berlin vẫn còn danh sách dài những công việc cần giải quyết.

Thách thức thứ hai của Đức là đạt được thỏa thuận để Anh rời vĩnh viễn khỏi EU sau ngày 31/12 tới. Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố không muốn gia hạn thời điểm này dù có hay không có thỏa thuận, đồng nghĩa quả bóng đã đẩy sang phía EU, bởi trong khi cả hai bên đều không muốn gia hạn thêm thời gian đàm phán thì EU lại muốn Anh ra đi một cách có trật tự và quyết tâm ngăn chặn một "Brexit cứng". Liệu có thể đạt được một thỏa thuận khi còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng như quyền đánh bắt cá, tiếp cận thị trường nội khối EU, quyền của công dân EU tại Anh hay không?... Có thể nói, không ai khác ngoài Đức sẽ phải gánh Brexit khi tiến trình này bước vào giai đoạn quyết định.

Thách thức thứ ba nữa là chính sách với người nhập cư. EU đã có thỏa thuận về người nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ, song thỏa thuận luôn có nguy cơ bị đổ vỡ. Quan điểm của các nước EU rất khác biệt trong vấn đề này bởi vấn đề hạn nghạch. Thực tế cho thấy cơ chế hợp tác, phân bổ người nhập cư ở các nước EU dường như không hiệu quả và một số nước thành viên rất miễn cưỡng khi triển khai thỏa thuận này. Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu Manfred Weber phải thừa nhận EU đã thất bại trong chính sách tị nạn và những gì diễn ra cho đến nay "không phải là một châu Âu được kỳ vọng". Vì vậy, Thủ tướng Merkel sẽ lại là người tìm kiếm câu trả lời khi EC đưa ra đề xuất mới về luật với người tị nạn trong những tuần tới.

Trong chính sách đối ngoại, quan hệ Mỹ-EU đã nguội lạnh rõ rệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Đó là lý do tại sao EU, cũng như Đức, muốn tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc với tư cách vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Châu Âu muốn mở rộng và tăng cường tiếp cận với Trung Quốc trong khuôn khổ các giá trị của chính mình mà vẫn bảo toàn được các lợi ích. Trong quan hệ phức tạp với Mỹ, Thủ tướng Merkel mới đây cảnh báo châu Âu có thể phải cân nhắc lại một cách căn bản mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi Washington triển khai kế hoạch rút quân số Mỹ khỏi Đức, đó là chưa kể cuộc chiến thương mại hai bên luôn cận kề. Có thể thấy rõ mối quan hệ châu Âu-Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây và EU không còn thấy Mỹ là đối tác đáng tin cậy như trước đây. Và khi cuộc bầu cử ở Mỹ vào giai đoạn nước rút, người ta chưa thể biết Tổng thống Trump sẽ còn có những quyết định gì liên quan tới châu Âu.

Thủ tướng Merkel từng thànhcôngkhi đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU ở thời điểm châu Âu đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử. Vì thế trong khó khăn lần này, giới phân tích đặt nhiều hy vọng vào Đức, quốc gia mạnh nhất về kinh tế trong châu Âu. Nhiệm vụ chủ yếu của Đức lần này sẽ nắm giữ vai trò trung gian hòa giải, khôi phục lại đoàn kết nội khối.

Nhiệm vụ đặt ra trước mắt nặng nề, do đó việc Thủ tướng Merkel tuyên bố rút lui khỏi chính trường Đức vào năm tới cũng là yếu tố giúp bà giảm bớt sức ép từ cử tri, tự do và tập trung hơn cho việc giải quyết các thách thức của EU. Người sẽ sát cánh trong các quyết sách của nhà lãnh đạo Đức không ai khác chính là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người từng là "cánh tay phải" của bà Merkel. Mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa hai chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) giàu kinh nghiệm này sẽ giúp các cuộc đàm phán trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, mối quan hệ Đức-Pháp hai đầu tàu EU bền chặt cũng sẽ là điểm tựa giúp EU vượt qua sóng gió bởi đại dịch COVID hiện nay.

Bình luận