Chờ...

Liên minh châu Âu chia rẽ về việc có nên “cấm” thị thực cho công dân Nga

(VOH) - Giới phân tích cho rằng, tất cả các nước Baltic và Đông Âu, gần đây có thêm Phần Lan, đều có quan điểm thù địch với Nga sau khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn ra.

Ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cần phân biệt giữa hành động của chính phủ một nước và hành động của người dân nước đó, do vậy Mỹ không muốn đóng hoàn toàn cánh cửa đối với người dân Nga. Trước đó, Đức, Pháp, Thụy Điển, CH Sýp (CH Cyprus) cũng đã từ chối ủng hộ sáng kiến của các nước Baltic và một số quốc gia Trung Âu về việc từ chối cấp thị thực cho công dân Nga. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh ông "khó có thể tưởng tượng được việc ngừng cấp thị thực Schengen cho người dân Nga".

Trước đó, nhiều ý kiến yêu cầu Ủy ban châu Âu cấm du khách Nga vào Liên minh châu Âu (EU) để trả đũa chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Các nước Baltic đã đưa ra đề xuất EU “cần cấm các công dân Nga nhập cảnh vào EU bằng visa Schengen”. Nếu điều này được thực thi sẽ đồng nghĩa với việc EU cấm hoàn toàn người Nga khỏi các quốc gia thành viên của mình.

Liên minh châu Âu chia rẽ về việc có nên “cấm” thị thực cho công dân Nga 1

EU có lượng lớn khách Nga đến du lịch. Ảnh: cyprus-mail.com

Giới phân tích cho rằng, tất cả các nước Baltic và Đông Âu, gần đây có thêm Phần Lan, đều có quan điểm thù địch với Nga sau khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn ra. Các nước này đều cho rằng Nga cần bị trừng phạt ở mức độ nặng nhất có thể. Một số nước Baltic hay Ba Lan thậm chí từng nhiều lần kêu gọi châu Âu cắt đứt toàn bộ quan hệ chính trị-kinh tế với Nga. Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas từng tuyên bố công khai rằng “đối với công dân Nga thì du lịch châu Âu là một đặc quyền chứ không phải là một quyền con người”. Trong khi đó, các nước Estonia hay Cộng hòa Czech, Phần Lan và nhiều nước khác ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky rằng châu Âu cần cấm tất cả các công dân Nga như là một cách để trừng phạt nước Nga. Vì vậy, đề xuất ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga được cho là một biện pháp trả đũa ở mức độ cao nhất nhằm vào Nga.

Theo hãng tin RT của Nga, trong một phát biểu cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga là "sai lầm mang tính cốt lõi", đồng thời dự báo điều này sẽ dẫn tới thảm họa kinh tế  toàn châu Âu. Mặc dù là một thành viên của EU, song Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của liên minh này áp đặt với Nga do lo ngại các hậu quả về kinh tế. Phản ứng trước đề xuất này, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại ông Josep Borrell cho rằng “không nền áp đặt” ý tưởng áp đặt lệnh cấm cấp thị thực đối với tất cả công dân Nga muốn đi du lịch EU. Trong đoạn ghi hình gửi đến một diễn đàn về vấn đề địa chính trị tại Tây Ban Nha, ông Borrell đã đưa ra quan điểm trên và cho rằng việc "cấm nhập cảnh đối với tất cả công dân Nga không phải là một ý tưởng hay", sáng kiến này có thể gây khá nhiều tranh cãi.

Theo dự kiến, các cuộc thảo luận về lệnh cấm thị thực với người Nga sẽ diễn ra trong cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên châu Âu vào ngày 30-31/8 tại Đức. Ngoại trưởng các nước EU dự kiến họp hội nghị không chính thức tại Praha (CH Séc) trong 2 ngày đầu tuần tới nhằm xem xét kiến nghị của Phần Lan và các quốc gia Baltic về việc cấm cấp thị thực ngắn hạn cho người Nga trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề Ukraine. Trước đó, ngày 16/8 vừa qua, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết nước này sẽ giảm số lượng thị thực du lịch cấp cho công dân Nga xuống còn 10% so với con số hiện tại.

Giới phân tích cho rằng những động thái trên tiếp tục thể hiện sự rạn nứt sâu sắc trong Liên minh châu Âu trong cách tiếp cận đối với Nga. Nếu như ba nước Baltic và các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Bulgaria… theo đuổi quan điểm châu Âu phải cắt đứt toàn bộ quan hệ với Nga, thì đa số các nước khác như Đức, Pháp, Italia và các nước Tây Âu mặc dù vẫn duy trì chính sách đối đầu với Nga nhưng không muốn đẩy sự đối đầu này ra ngoài tầm kiểm soát. Bằng chứng là họ vẫn muốn duy trì liên lạc và đối thoại với Nga để giải quyết các thách thức trong quan hệ song phương sau này. 

Trong bối cảnh các tranh cãi về việc cấm thị thực với toàn bộ công dân Nga một lần nữa thể hiện các rạn nứt và bất đồng ngày càng lớn giữa Tây Âu và Đông Âu thì cũng đã xuất hiện những lo ngại rằng EU sẽ phải gánh chịu những hệ quả do thái độ “cực đoan” của mình với Nga. Thứ nhất, việc các nước này thúc đẩy và theo đuổi các chính sách chống Nga mà đôi khi bất chấp các lý lẽ và luật lệ sẽ khiến sự đối đầu giữa Nga với phương Tây gia tăng gần hơn đến ngưỡng xung đột trực diện. 6 tháng qua, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, thế giới đã chứng kiến phương Tây thực thi một số chính sách chống Nga mà đi ngược lại hoàn toàn với những tuyên bố dân chủ, nhân quyền mà các nước này vẫn thường lên tiếng. Thứ hai, nếu các mối quan hệ trực tiếp giữa Nga và EU chấm dứt chắc chắn mọi kênh liên lạc sẽ bị đứt gẫy và đẩy thù địch, thù hận và xung đột lên cao. Việc một số nước châu Âu đang tìm cách trừng phạt cả những người dân thường Nga là một động thái nguy hiểm bởi dù có đối đầu ra sao, châu Âu và Nga đã và đang tồn tại những lợi ích song hành và không thể cắt đứt toàn bộ quan hệ trong tương lai.

Ngoài ra, trong bối cảnh đồng ruble của Nga ngày càng lên cao, thì EU đang có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới khi mùa Đông đến gần. Vào đầu phiên giao dịch hôm 19/8 tại thị trường chứng khoán Nga, đồng ruble đã tăng lên mức gần cao nhất trong 4 tuần qua so với đồng USD nhờ các khoản thanh toán thuế vào cuối tháng thúc đẩy nhu cầu đối với đồng nội tệ của Nga. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng “EU sẽ phải trả giá đắt bằng kinh tế khi tiếp tục phản ứng quá cực đoan với Nga”. Trong một phát biểu mới nhất, Thủ tướng Hungary đã chỉ trích kế hoạch của EU kêu gọi các nước tự nguyện cắt giảm sử dụng 15% lượng khí đốt để có dự trữ cho mùa Đông tới. Ông cảnh báo nếu EU không thúc đẩy một kịch bản hòa bình ở Ukraine, châu Âu có thể sẽ đối mặt với "khủng hoảng năng lượng, suy thoái và bất ổn chính trị".

Bình luận