Chờ...

Muốn đấu tranh với tiêu cực tham nhũng trước hết các cơ quan bảo vệ pháp luật phải trong sạch

(VOH) - Các vụ việc cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật liên tục bị phát hiện” vi phạm pháp luật” đang gióng lên hồi chuông về việc cần thiết có giải pháp làm trong sạch, vững mạnh các cơ quan này.

“Băn khoăn” tình trạng cán bộ bảo vệ pháp luật… vi phạm pháp luật

Mới nhất 11/2022, ông Châu Văn Mỹ - Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu - khi đang nhận tiền hối lộ của một nữ bị cáo tại một nhà nghỉ trên địa bàn TP Bạc Liêu thì bị bắt quả tang, ép bị cáo quan hệ tình dục để được xử phúc thẩm với mức án treo.

Ông Châu Văn Mỹ
Ông Châu Văn Mỹ, Phó chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu (áo trắng) bị dẫn giải ra xe ô tô của ông để khám xét xe. Ảnh: cắt từ clip. 

Xem thêm: Hai cựu lãnh đạo Đồng Nai nhận hối lộ: Lấy tiền mua đất và cho con đi du học

Tháng 10/2022, ông Vi Đức Ninh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ chạy án ma túy. Liên quan đến vụ án này, ông Hồ Anh Khoa (nguyên cán bộ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an) và 3 người khác cũng bị khởi tố để điều tra hành vi môi giới hối lộ.

Tháng 9/2022, ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Thẩm phán sơ cấp Tòa án Nhân dân TP. Kon Tum bị phạt tù và buộc thôi việc vì "Nhận hối lộ" sau khi thụ lý giải quyết vụ án "Tranh chấp tài sản ly hôn"…

Đây chỉ là một vài dẫn chứng về số vụ cán bộ ngành tòa án, kiểm sát nhận hối lộ bị bắt quả tang.

Dư luận đặt vấn đề về đạo đức, lối sống và tình trạng vi phạm pháp luật, ngang nhiên vi phạm công lý với những thủ đoạn lộ liễu của một người có quyền "cầm cân nảy mực" trong hệ thống tư pháp.

Số vụ việc bắt quả tang được công khai trên báo chí cho thấy, tình trạng nhận hối lộ để làm sai lệch vụ án có chiều hướng gia tăng nơi các cơ quan thực thi quyền điều tra, công tố, xét xử. Đây chỉ là phần nổi được phát hiện, bởi những vụ án được xác định có “chung chi”, hối lộ để giảm án thì khó mà thống kê được.

Chung chi để “chạy án” ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra, tố tụng, kiểm sát

Việc hối lộ cán bộ những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ pháp luật gây ra những tác hại lớn ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng như điều tra, kiểm sát và xét xử - vốn là những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Tháng 9/2022, thông tin tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua đã phát hiện 18 nguồn tin về tội phạm, đã chuyển đến cơ quan điều tra của công an 3 tin, chuyển đến cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 15 tin.

Tỷ lệ số vụ chuyển cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trên tổng số vụ được chuyển giao cho thấy, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát rất quan trọng. Bởi không phải nguồn tin về tội phạm nào cũng chuyển cho công an thụ lý, nhất là các vụ việc có liên quan đến tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong các chức năng của Viện Kiểm sát Nhân dân thì chức năng điều tra, thực hành quyền công tố trong các vụ án tiêu cực, hối lộ xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật là một chức năng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, hối lộ hiện nay.

Các đối tượng bị xử lý hình sự và nhất là các bị can trong các vụ án kinh tế thường tìm đủ mọi cách để làm giảm nhẹ tội hay chạy thoát tội của mình. Cho nên, việc "tấn công" vào các cơ quan bảo vệ pháp luật qua các "viên đạn bọc đường" là điều dễ hiểu và không phải cán bộ điều tra, kiểm sát, xét xử nào cũng đều có đủ bản lĩnh để tránh né được được!

Do đó, trong công tác chống tiêu cực tham nhũng, hối lộ muốn đạt hiệu quả thì trước hết tại những cơ quan bảo vệ pháp luật phải có những quy định, quy chế để ngăn chặn nạn đưa, nhận hối lộ, chạy án.

Rõ ràng, cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà "tay đã nhúng chàm" thì không thể nào chống tham nhũng, tiêu cực được.

Khi cán bộ xét xử đã nhận hối lộ thì sẽ xảy ra những vụ án oan, sai hay những vụ án mà công tác điều tra, xét xử sẽ xảy ra những thiếu sót, sai phạm tưởng chừng rất… "khách quan". Khi đó án bị sai lệch và làm mất đi niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo Hiến pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan duy nhất có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, Viện Kiểm sát các cấp phải đề cao trách nhiệm, tiến hành kiểm sát một cách chủ động và chặt chẽ theo đúng pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát phải loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật.

Thực hiện chức năng này đòi hỏi phải chú trọng cả hai mặt: không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm nhất là loại tội phạm xâm phạm trong các hoạt động tư pháp. Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mới mong ngăn chặn được các vụ án oan sai, các vụ việc tiêu cực trong ngành tư pháp và làm gương trong công tác phòng chống tiêu cực tham nhũng.

Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ đạo với các cơ quan bảo vệ pháp luật "chân mình còn lấm bê bê lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Muốn chống tiêu cực, tham nhũng, hối lộ thì trước hết trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật phải trong sạch, vững mạnh.

Bình luận