Chờ...

Người lao động hưởng lợi gì từ luật Bảo hiểm Xã hội sắp áp dụng?

(VOH) - Từ 1/1/2016, luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi 2014 chính thức có hiệu lực. Luật có nhiều thay đổi nhằm đảm bảo sự cân đối của quỹ hưu trí, mở rộng độ bao phủ và an sinh xã hội tốt cho người lao động.

Luật bảo hiểm xã hội áp dụng từ 1/1/2016 có gì mới?

Có nhiều thay đổi lớn trong luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi 2014. Đáng chú ý là mở rộng đối tượng đến người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng tới dưới 3 tháng, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, luật sắp áp dụng cũng thay đổi và điều chỉnh những quy định cụ thể trong các chế độ thai sản, hưu trí. So với quy định hiện hành, quyền lợi của người lao động tại một số quy định thay đổi được đảm bảo tốt hơn.

Người lao động được hưởng thêm những quyền lợi gì?

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết, về chế độ thai sản, người lao động được hưởng thêm nhiều quyền lợi, đồng thời, mở rộng đối tượng được hưởng chế độ thai sản đến cả nam lao động và người mang thai hộ. Chẳng hạn trường hợp người vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, khi sinh con, người chồng (có tham gia bảo hiểm xã hội) được hưởng trợ cấp 2 tháng lương cơ sở (1150.000 x 2 = 2.300.000 đồng).

Trong thời gian vợ sinh con, người chồng được nghỉ việc có hưởng lương bảo hiểm xã hội. Cụ thể, nghỉ 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường, 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi và nghỉ tối đa 14 ngày khi vợ sinh đôi phải phẫu thuật.

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM trao đổi với VOH về những quy định mới trong luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi sắp áp dụng (Ảnh: Phương Nguyệt)

Về lao động nữ, luật trước đây quy định để được hưởng chế độ thai sản, phải đóng bảo hiểm xã hội liên tục 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con. Nhưng thực tế, có trường hợp vì lý do sức khỏe, thai phụ nghỉ dưỡng thai với thời gian dài (theo chỉ định của bác sĩ) nên không đảm bảo đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng liên tục. Từ nay, với trường hợp đặc biệt này, luật quy định chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội liên tục 3 tháng trong 12 tháng.

Với người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản như các lao động nữ sinh con khác.

Ý kiến của ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM:

Về chế độ tử tuất cho thân nhân người lao động cũng thay đổi theo hướng tăng quyền lợi cho người thụ hưởng. Ông Tiến cho biết theo quy định trước đây, người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội qua đời, con cái được hưởng chế độ tử tuất đến 15 tuổi và nếu từ đủ 15 tuổi mà đang học văn hóa thì được nhận tiếp chế độ tử tuất cho đến đủ 18 tuổi (575.000 đồng/tháng).

Với quy định mới, việc hưởng chế độ tử tuất vẫn giữ nguyên đến đủ 18 tuổi nhưng không yêu cầu người thụ hưởng phải đang học văn hóa từ 15 tuổi trở lên.

Trong chế độ tử tuất, người thụ hưởng có quyền chọn nhận chế độ tử tuất hàng tháng hoặc nhận tuất một lần. Điều này có lợi cho trường hợp con cái người lao động bị mất gần 18 tuổi.

Tất nhiên, luật cũng giới hạn hai trường hợp không được phép nhận tuất một lần là khi vợ/chồng người mất cũng bị mất sức lao động từ 81% trở lên và con dưới 6 tuổi. Ngoại lệ này nhằm đảm bảo an sinh lâu dài, ổn định cho các đối tượng này. Việc hưởng chế độ tử tuất trước đây chỉ áp dụng cho thân nhân chủ yếu bao gồm chồng/vợ, cha mẹ vợ/cha mẹ chồng và con cái. Nay, luật bổ sung thêm với các trường hợp không có/không còn thân nhân chủ yếu thì người thụ hưởng chế độ tử tuất căn cứ theo quy định của luật thừa kế.

Ngoài ra, luật Bảo hiểm Xã hội sắp áp dụng còn quy định theo hướng mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội đến người lao động ở khu vực lao động phi chính thức. Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tùy theo tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, chính phủ sẽ quy định mức hỗ trợ cụ thể. Đồng thời mức sàn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ căn cứ vào mức thu nhập trung bình của hộ nghèo nông thôn thay vì mức lương cơ sở (1.150.000 đồng) để đảm bảo nhiều lao động có thể tham gia.

Đại diện doanh nghiệp đang làm thủ tục tại Bảo hiểm Xã hội TPHCM (Ảnh: Phương Nguyệt)

Luật cũng quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo quỹ hưu trí ổn định. Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm (trước đó là 25 năm) đối với nữ và 35 năm (trước đó là 30 năm) đối với nam mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%. Một thay đổi có tác động lớn khác là tiền tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm lương và phụ cấp thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề là còn chưa đến 1 tuần, luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi 2014 chính thức áp dụng, nhưng cách tính các khoản để thu Bảo hiểm xã hội, các quy định cụ thể cho những quy định mới thì vẫn đang… chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Bình luận