Chờ...

Phập phồng với xe đưa đón học sinh

(VOH) - Chỉ trong vài ngày cuối tháng 11 vừa qua, ở Đồng Nai xảy ra 2 vụ xe đưa rước làm rớt học sinh xuống đường khi đang lưu thông khiến nhiều người thót tim.

May mắn là các em đều an toàn tính mạng, chỉ một phen hoảng loạn. Tuy nhiên, sự cố khiến nhiều người rùng mình, không dám nghĩ đến những diễn biến có thể xảy ra tiếp theo sau những tình huống “tiếp đất” bất đắc dĩ đó. Trên đường phố đông đúc, chẳng may có phương tiện đi sau không dừng kịp thì hậu quả khó tưởng tượng.

Có bao nhiêu chuyến xe như thế đang ngày ngày đưa trẻ đến trường? Nếu không kiểm soát, chấn chỉnh, mỗi ngày con trẻ đến trường là mỗi ngày phụ huynh phập phồng, bất an.

Phập phồng với xe đưa đón học sinh

Xe đưa đón làm rớt học sinh tại Đồng Nai (ảnh cắt từ clip - nguồn: Facebook)

Mới đây, chiều 29/11, một xe 16 chỗ chở học sinh từ Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) về nhà thì bất ngờ 2 em học sinh lớp 4 rơi xuống đường, bị sây sát nhẹ. Hình ảnh này được camera ghi lại, khiến nhiều người xem giật mình. Đáng chú ý, qua kiểm tra, xe này đã hết hạn kiểm định từ ngày 16/11. Thậm chí, tài xế Cao Tuấn Việt (Sinh năm 1971) khi làm việc với Công an huyện Trảng Bom và Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đã cung cấp giấy phép lái xe hạng E, nhưng qua xác minh, đây là giấy phép lái xe giả. Việt cũng thừa nhận mua bằng giả với giá 3,5 triệu đồng. Hợp đồng đưa rước của ông Việt với các phụ huynh chỉ là "nói miệng", không có văn bản, với mức giá 280.000 đồng/tháng/học sinh.

Trước đó vào sáng 26/11, xe 16 chỗ chở học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP Biên Hòa) chạy đến đoạn cua thì cửa sau xe bật mở khiến 3 em học sinh lớp 1 rơi xuống đường. May mắn cả 3 em đều không bị thương tích.

Hai vụ việc liên tiếp xảy ra chưa đầy một tuần, tuy may mắn không gây thiệt hại về người, nhưng đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng của các chủ phương tiện, lái xe… trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn khi chở học sinh đến trường. Điều đáng nói là thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, và nhiều địa phương khác, vấn đề an toàn trong việc đưa đón học sinh được cảnh báo nhiều lần. Từ đầu năm 2019 đến nay, thanh tra giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính 319 trường hợp xe đưa đón học sinh vi phạm, phạt tiền 320 triệu đồng, tước giấy phép 18 trường hợp, tịch thu một phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: dừng, đỗ xe sai quy định, chở quá số người quy định, không có phù hiệu.

Hiện nay, nhu cầu thuê xe đưa rước học sinh rất lớn nên hầu hết các trường học đều thuê xe ô tô đưa đón học sinh. Tuy nhiên, tình trạng các nhà xe lại sử dụng xe ô tô quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng, cũ nát để đưa đón xảy ra nhiều nơi. Hình ảnh những chiếc xe cũ kỹ, được cải tạo, làm mới để tận dụng đưa đón học sinh, thay đổi kết cấu để chở đông hơn, nhiều hơn có thể dễ dàng bắt gặp trên đường.

Sau những tai nạn đáng tiếc liên quan xe đưa đón học sinh, các cấp, ngành đã có nhiều công văn,, yêu cầu, hướng dẫn về việc rà soát dịch vụ xe đưa đón học sinh. Thế nhưng, sự vào cuộc của các ban ngành với hình thức công văn, văn bản hướng dẫn liệu đã đủ để đảm bảo một quy trình an toàn cho dịch vụ đi lại chính đáng này của học sinh? Cần tiến hành rà soát, kiểm tra loại hình xe đưa đón học sinh một cách nghiêm túc, cẩn trọng, không thể du di, dễ dãi trước các vi phạm đã rõ. Càng chặt chẽ thì sự an toàn của các em càng được đảm bảo, hạn chế thấp nhất những rủi ro, sự cố khó chấp nhận như vừa qua.

Không riêng Đồng Nai, sự cố vừa qua cũng là lời cảnh báo, nhắc nhở với nhiều địa phương khác. Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể ngoài cuộc, khi trên địa bàn hiện có hơn 200 xe đưa rước học sinh của 100 trường học. Thời gian qua, Trung tâm quản lý giao thông công cộng Thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo siết chặt quản lý hệ thống xe đưa rước học sinh nhằm đảm bảo an toàn, tiến hành rà soát về niên hạn, kiểm định, các lái xe được thẩm định lại các kỹ năng. Về lâu dài, đơn vị này đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt bộ tiêu chuẩn xe đưa rước học sinh. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia hoạt động đưa rước học sinh phải bắt buộc đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Bởi lẽ, khi chưa được chuẩn hóa, những công văn hướng dẫn sát với sự vụ thực tế là cần thiết nhưng cũng sẽ chỉ là những mảnh chắp vá giữa các cấp, ngành. Khi chưa chuẩn hóa, sẽ vẫn còn tình trạng xe đưa đón học sinh là xe quá "đát", xe chở hàng được cải tạo chở người, sẽ vẫn còn tình trạng chở quá số người quy định… và nhiều nguy hiểm chực chờ.

Dù như thế nào, an toàn cho trẻ em vẫn là trên hết. Rất cần những động thái  quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng, các cấp các ngành quản lý, để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui, để những chuyến xe chở học sinh là sự tin tưởng gửi gắn, chứ không phải mang theo nỗi phập phồng, bất an của phụ huynh như hiện nay.

Bình luận