Chờ...

Thủ tướng Đức tuyên bố rút lui khỏi chính trường, châu Âu “chao đảo”

(VOH) - Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tuyên bố sẽ không tiếp tục tranh cử chức Thủ tướng Đức vào năm 2021.

Tuyên bố này dù đã được dự báo trước, nhưng không khỏi gây “sốc” cho nước Đức và cả châu Âu. Câu hỏi đặt ra hiện nay là nước Đức và EU sẽ “đi đâu về đâu” sau triều đại Merkel? Rõ ràng đây là một tương lai rất khó dự đoán.

Sau gần 2 thập niên lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo, hôm 29/10, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ rời bỏ cương vị này và không tái tranh cử chức chủ tịch đảng vào tháng 12 tới. Bà cũng khẳng định nhiệm kỳ thứ tư này sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng với tư cách là Thủ tướng Đức. Tuyên bố của bà Merkel vào chiều muộn hôm 29/10 gây bất ngờ, thậm chí gây “sốc” cho nhiều người Đức vốn đã quen với sự lãnh đạo của một vị “nữ tư lệnh” kể từ năm 2005 đến nay. Thế nhưng với những nhà quan sát, đây là cái kết không thể khác và đã được báo trước với chính trường Đức và cá nhân Thủ tướng Merkel.

Đó là bởi chính trường Đức đang đứng trước một cuộc khủng hoảng mới. Sau cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội liên bang đầy sóng gió vào tháng 9/2017, mà phải hơn nửa năm sau một chính phủ đại liên minh mới có thể thành lập, kết quả cuộc bầu cử nghị viện bang Hessen hôm 28/10 đã giáng một đòn nặng vào uy tín chính trị của Thủ tướng Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự Hội nghị cấp cao Á Âu ở Brussles, Bỉ ngày 19/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự Hội nghị cấp cao Á Âu ở Brussles, Bỉ ngày 19/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Tại bang Hessen, với việc chỉ giành được 27% phiếu bầu, Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo của Thủ tướng Merkel mất tới 11,3% số phiếu so với cuộc bầu cử năm 2013. Tổng cộng, hai trong số ba đảng tham gia chính phủ đại liên minh ở cấp liên bang đã bị mất tới 22,2% phiếu bầu ở bang Hessen. Kết quả đáng thất vọng này đến chỉ 2 tuần sau một thất bại khác của chính phủ đại liên minh trong cuộc bầu cử bang Bayern, khi đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, đảng chị em với Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo của Thủ tướng Merkel và chỉ hoạt động tại Bayern, mất tới 10,5% số phiếu bầu.

Trên thực tế, cuộc bầu cử ở bang Hét-xen được ví như một thước đo đối với chính quyền Berlin, và thất bại của cả 2 đảng trong Liên minh cầm quyền khiến uy tín của chính phủ đại liên minh và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel vốn dĩ đã thấp nay càng bị sứt mẻ.

Vì điều này, bà Merkel đã quyết định rút khỏi cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo, vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua, tại đại hội của đảng tổ chức ở thành phố Hamburg vào tháng 12 tới. Giờ đây, nhiệm vụ của Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo là tìm kiếm một vị chủ tịch mới thay thế cho bà Merkel và người này có khả năng sẽ ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Đức trong tương lai gần.

Sức ép cả trong nội bộ liên minh lẫn ngoài xã hội khiến Thủ tướng Merkel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra lộ trình để dần rút khỏi chính trường Đức. Quyết định này dẫu được cho là kịp thời, tuy có thể xoa dịu các chỉ trích của cử tri và các đảng đối lập nhằm vào liên đảng cầm quyền, nhưng cũng không khỏi gây sốc cho nước Đức và EU.

Cá nhân Thủ tướng Merkel coi quyết định của mình là cơ hội để “mở ra một chương mới” cho nước Đức. Tuy nhiên, từ nay đến khi hoàn toàn rút khỏi sân khấu chính trị, bà Merkel sẽ phải “chiến đấu cho sự tồn tại chính trị” của mình. Luật pháp Đức không bắt buộc Thủ tướng phải là người đứng đầu một đảng phái chính trị nào đó, nhưng theo truyền thống, đây được coi là chìa khóa thành công cho bất kỳ cá nhân hay đảng phái nào trong việc lãnh đạo đất nước. Nếu bà Merkel không còn là lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo, trong thời gian tại vị còn lại, uy tín cũng như tiếng nói của bà về các chính sách của chính phủ sẽ bị suy giảm đáng kể. Đó là chưa kể, nếu đại liên minh hiện nay tan rã, một cuộc bầu cử sớm sẽ phải tiến hành và bà Merkel có thể phải kết thúc sớm nhiệm kỳ thủ tướng.

Giới quan sát cho rằng, nhiệm kỳ cuối của bà Merkel tồn tại bao lâu tùy thuộc vào người thay thế bà làm lãnh đạo đảng vào tháng 12 tới. Người đó gần như chắc chắn sẽ là ứng cử viên mà Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo đề cử để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo chọn ra Thủ tướng sau khi bà Merkel hết nhiệm kỳ. Nếu đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo bầu một người “thân tín” với bà Merkel, thì bà Merkel sẽ vẫn kiểm soát được Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo và tại nhiệm Thủ tướng. Nhưng nếu nhà lãnh đạo tiếp theo là một người đối lập trong đảng, tình hình sẽ phức tạp hơn và khả năng một cuộc bầu cử sớm sẽ đến nhanh hơn. 

Hiện, dư luận đang quan tâm tới việc sự kết thúc “kỷ nguyên Merkel”, người được coi là “biểu tượng của sự ổn định” sẽ đặt nước Đức trước tương lai nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh cả đối nội lẫn đối ngoại đối mặt với nhiều  thách thức phức tạp. Trong nước, vấn đề nhập cư, sự tăng trưởng của nền kinh tế đang đặt ra gánh nặng cho các nhà lãnh đạo Đức. Về đối ngoại, chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu đều là những thách thức cho nước Đức trong vai trò “đầu tàu EU” phải đối mặt.

Không chỉ chính trường Đức xáo trộn, quyết định rời chính trường của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khiến cho châu Âu không khỏi lo lắng. Trong suốt hơn 10 năm là Thủ tướng Đức –nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel được coi như là lãnh đạo thật sự của Liên minh châu Âu và có những dấu ấn quan trọng về kinh tế và ngoại giao tiêu biểu như cách bà xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 hay trong các hồ sơ nóng của quốc tế như khủng hoảng di cư, hạt nhân Iran, khủng hoảng Ukraina, Syria... đồng thời là nhân tố trụ cột giúp duy trì quan điểm thống nhất, đoàn kết toàn khối EU.

Do đó, quyết định rút khỏi chính trường của bà Merkel trong thời điểm EU đang đứng trước hàng loạt thách thức và bất ổn, đáng kể nhất là tính liên kết của khối đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Sự ra đi của nước Anh (Brexit), sự trỗi dậy của các đảng cực hữu mang tư tưởng dân túy đang đe dọa những giá trị cốt lõi của EU. Ngay tại Đức, các đảng dân túy cũng đang nổi lên mạnh mẽ, tiêu biểu là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức. Với sự hiện diện nhanh chóng hiện nay của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức cũng như nhiều đảng cực hữu và dân tuý khác tại châu Âu, đây sẽ là những mối đe dọa với tương lai của châu Âu.

Trong bối cảnh như vậy, sự rút lui khỏi sân khấu chính trị của bà Merkel sẽ là cơn ác mộng thật sự với châu Âu. Nếu mọi thứ không được kiểm soát, chia rẽ chính trị ở châu Âu sẽ diễn ra ngày càng phức tạp. Chính vì thế ngay từ lúc này có lẽ cả EU và nước Đức sẽ phải làm quen để thích ứng với một sự thay đổi mới ở phía trước, giai đoạn “hậu Merkel”. 

Brazil: cảnh sát sẽ không còn có thể can thiệp vào hoạt động của các trường đại học công – Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết cảnh sát quân đội không nên can thiệp vào công việc của các đại học công lập.
Tòa án Hàn Quốc chấp nhận từ chối nghĩa vụ quân sự vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo – Tòa án Tối cao Hàn Quốc cho biết hôm 1/11 rằng lý do tôn giáo, tín ngưỡng sẽ được chấp thuận cho việc từ chối phục vụ nghĩa vụ quân sự.
Bình luận