Thượng đỉnh NATO - Bất đồng vẫn hoàn bất đồng

(VOH) - “Bất đồng và mâu thuẫn”, đó là nhận định của giới phân tích về hội nghị thượng đỉnh NATO vừa kết thúc trong tuần.

Dù hội nghị đã đưa ra tuyên bố chung, nhưng mâu thuẫn về mục tiêu phát triển chung và mâu thuẫn giữa các thành viên NATO tiếp tục phủ bóng hội nghị.

Lãnh đạo 29 nước thành viên chụp ảnh lưu niệm tại London, Anh nhân 70 năm thành lập NATO.

Lãnh đạo 29 nước thành viên chụp ảnh lưu niệm tại London, Anh nhân 70 năm thành lập NATO. (Nguồn: MooseGazette)

Điểm đáng chú ý nhất tại thượng đỉnh NATO lần này là trong tuyên bố cuối cùng đưa ra sau khi kết thúc hội nghị Thượng đỉnh 2 ngày tại London, khối quân sự NATO lần đầu tiên xem Trung Quốc là một thách thức mới. Cụ thể, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đề cập đến sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, cả trên khía cạnh cơ hội lẫn thách thức mà nước này đặt ra, cũng như tác động của nó đến an ninh của các nước NATO. Các lãnh đạo NATO đã nhất trí rằng NATO cần phải ứng xử với Trung Quốc với tư cách một liên minh và cần tìm giải pháp để khích lệ Trung Quốc tham dự vào các thoả thuận kiểm soát vũ khí”.

Điểm đáng chú ý tiếp theo, đó là việc các nguyên thủ NATO nhất trí sẽ thảo luận về đường hướng tương lai của NATO, sau khi có các tranh cãi gay gắt trong nội bộ gần đây về các phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đang “chết não” vì thiếu định hướng chính trị và sự phối hợp ở tầm cao. Theo lập luận của phương Tây, chắc chắn NATO chưa “lỗi thời” và sẽ tiếp tục tồn tại trong hàng thập niên, vì nó phục vụ cho lợi ích của tất cả các nước thành viên. Nhưng làm thế nào để dung hòa mối quan tâm của những nước vẫn e ngại Nga, nhất là nhóm nước Baltic hay Đông Âu, với một Thổ Nhĩ Kỳ vừa mua các hệ thống phòng không S-400 từ Nga, một nước Đức mở rộng cửa chào đón hệ thống đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc" của Nga bất chấp sự phản đối gay gắt của nhiều đồng minh.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Macron thừa nhận NATO “chưa làm sáng tỏ” được các vấn đề còn tranh cãi và “những điểm chưa rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết”. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định “kẻ thù chung”. Chắc chắn những đối tượng này sẽ rất khác so với những mục tiêu đặt ra tại thời điểm năm 1949, khi NATO được thành lập. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước giao cho Tổng Thư ký Jens Stoltenberg xây dựng dự thảo về tương lai của NATO nhằm củng cố sự gắn kết về chính trị của khối, trong đó có vấn đề tham vấn chiến lược. Về tổng thể, dù ra được tuyên bố chung với một số nội dung mới nhưng hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO đã không che giấu được các bất đồng công khai giữa nhiều nước thành viên.

Một dẫn chứng là trong ngày họp cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huỷ bỏ cuộc họp báo và lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau khi xuất hiện một đoạn video trong đó nhiều nguyên thủ NATO chế giễu ông Donald Trump. Trước đó, trong ngày đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước đó, những bất đồng đã lộ rõ trong nội bộ NATO. Vieecj Pháp, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xung đột ngay trong ngày đầu thượng đỉnh NATO là một ví dụ. Trong buổi họp báo tiến hành cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những từ ngữ rất nặng nề để chỉ trích việc Tổng thống Pháp Macron cách đây không lâu đã có những nhận xét tiêu cực về NATO. Theo ông Trump, các nhận xét của ông Macron như “NATO đang chết não” là những từ ngữ hết sức xấu xí và xúc phạm đến các thành viên NATO.

Tổng thống Mỹ cũng nhân đó chê bai thành tích điều hành kinh tế yếu kém của chính phủ Pháp và tuyên bố nước Pháp có thể rời khỏi NATO nếu cảm thấy không thích hợp. Ngay sau các phát biểu gay gắt nhằm vào ông Macron, hai Tổng thống Mỹ và Pháp cũng đã có một cuộc gặp bên lề và thể hiện sự bất đồng công khai trước sự hiện diện của báo chí, dù với những lời lẽ bớt gay gắt hơn. Trong khi ông Trump nhấn mạnh đến việc các nước thành viên NATO, trong đó có cả nước Pháp, cần phải chi trả một số tiền xứng đáng hơn cho liên minh quân sự thì Tổng thống Pháp Macron lại nêu vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng NATO cần phải đối thoại thẳng thắn với Thổ Nhĩ Kỳ để gạt bỏ những mập mờ hiện nay trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ý định này của Pháp đã vấp phải những cảnh báo gay gắt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu ngay trước khi lên đường đến London, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ,  Recep Tayyip Erdogan khẳng định nếu NATO không coi lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria là khủng bố thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chống lại bất cứ nhân tố nào đe doạ đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng, cuộc gặp thượng đỉnh NATO trên thực tế đã diễn ra bình yên hơn dự báo, dù còn xa mới là một lễ hội đúng nghĩa. Ngoài một số sự cố nhỏ như việc Tổng thống Mỹ hủy cuộc họp báo cuối cùng và về nước sớm để phản đối sự cười nhạo" của một số nhà lãnh đạo khác, thì không có hình ảnh căng thẳng như tại hội nghị thượng đỉnh Brussels (Bỉ) tháng 7/2018. Thế nhưng, ngoài hình ảnh đó, điểm mấu chốt của hội nghị là triển vọng của NATO trong thời gian tới sẽ như thế nào vẫn là một ẩn số khó tìm lời giải. “Lẽ sống” của NATO là một kẻ thù chung, thiếu một đối thủ cụ thể và xứng tầm, NATO không biết sẽ nhằm vào đâu. Hay nói cách khác, NATO vẫn đang trong tình trạng bế tắc chiến lược.

Mở rộng điều tra vụ thu giữ dược liệu nhập lậu vào Việt Nam - (VOH) - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an ngày 5/12 đã mở rộng điều tra vụ nhập nguyên dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) vào Việt Nam.

Bắt giữ nhóm cướp xe máy giả danh Cảnh sát hình sự - (VOH) - Ngày 6/12, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, đã bắt giữ 6 nghi phạm giả danh cảnh sát hình sự gây ra các vụ cướp tài sản trên địa bàn TP và các tỉnh giáp ranh. 

Bình luận