Chờ...

Vụ tấn công mạng chấn động thế giới: chúng ta cần làm gì?

(VOH) - Hôm 12/5, nhiều tổ chức trên thế giới điêu đứng trước cuộc tấn công mạng quy mô lớn khiến hơn 75 ngàn máy tính của gần 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng.

Cách thức tấn công lần này không mới nhưng đặc biệt nguy hiểm. Máy vi tính bị nhiễm, dữ liệu bị mã hóa không sử dụng được và phải nộp tiền chuộc mới được phục hồi dữ liệu, còn không sẽ bị xóa sạch.

Hiện chưa có thống kê chính thức về thiệt hại của vụ tấn công mạng nhưng chắc chắn hậu quả sẽ rất lớn. Theo các chuyên gia công nghệ cho dù nạn nhân đã nộp tiền chuộc và được phục hồi dữ liệu, cũng chưa chắc đã yên?!

Ảnh chụp màn hình máy tính bị tấn công  "WannaCrypt" ransomware. 

Trước vụ việc nghiêm trọng trên, người dùng cá nhân và các tổ chức, đơn vị được khuyến cáo nên làm gì?

Trước tiên, với người dùng cá nhân, phải chủ động và thật cảnh giác trong mọi hoạt động của mình khi tương tác qua mạng Internet.

Không nhấn mở file lạ “vô thức”. Cẩn thận trong từng giao dịch qua thư điện tử, đặc biệt với email có đính kèm file hoặc liên kết (link) lạ. 

Bên cạnh đó, máy tính cần phải được “gia cố” bảo mật, thường xuyên cập nhật các bản vá lỗ hổng bảo mật của hệ điều hành và cài phần mềm phòng chống virus uy tín.

Hạn chế sử dụng phần mềm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không bản quyền vì theo thống kê phần lớn virus xâm nhập vào máy tính thông qua các phần mềm trên.

Đối với các tổ chức, đơn vị, việc này phải cần đặc biệt chú trọng. Hiện việc triệt để hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, công nghệ mạng là giải pháp hàng đầu. Hầu như cơ quan nào cũng có mạng nội bộ (LAN) hoặc có xây dựng ứng dụng chạy trên nền tảng Internet. Tiện, dễ xài là ưu điểm nhưng nguy cơ mất an toàn cũng đồng hành.

Khi một thành viên bị lây nhiễm thì nhiều khả năng cả hệ thống bị sập theo. Đơn cử, vụ tấn công mới nhất (ransomware), cả hệ thống một bệnh viện ở Anh bị tê liệt hoàn toàn bởi sâu virus mới WannaCrypt có thể lây lan từ máy tính này sang máy tính khác mà không cần phải nhận email mã độc.

Do đó, việc gia cố, nâng cấp phần cứng và phần mềm phải thường xuyên được thực hiện.

Ngoài ra, để tránh tai ương, các đơn vị lập tức bỏ các máy tính sử dụng hệ điều hành quá cũ, không còn được nhà cung cấp hỗ trợ cập nhật vá lỗi bảo mật, song song đó là cập nhật kiến thức an toàn, an ninh thông tin mạng cho nhân viên.

Ngay sau vụ tấn công, Microsoft lập tức tung bản vá cho Windows XP, hệ điều hành đã ra đời cách nay 16 năm và họ không còn hỗ trợ cập nhật từ năm 2014.

Thế giới đang lao rất nhanh vào thời đại kỷ nguyên số. Internet không thể thiếu trong rất nhiều hoạt động và nhiều người đang chìm đắm trong môi trường này vì nó mang lại quá nhiều điều hay, tiện lợi… Tuy nhiên, đi cùng ưu điểm là hạn chế cực kỳ nguy hiểm mà người dùng phải đối mặt. Các chuyên gia bảo mật dự đoán trong thế kỷ XXI này thế giới phải giải bài toán hóc búa về an toàn, an ninh mạng.

Trong khi chờ giải pháp từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thì người dùng nên cẩn thận và ý thức hơn trong từng giao dịch.

Cách tốt nhất hiện tại vẫn là phòng. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng !

Bình luận