Chờ...

Bảo tồn múa rối dân gian Việt Nam: Cần phải kết hợp liên ngành

(VOH) - Liên Hoan múa rối dân gian toàn quốc vừa diễn ra tại Hải Dương từ ngày 13 đến ngày 18/6 với 14 phường rối nước, 4 phường rối cạn của các địa phương: Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội. Qua 1 tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan đã chọn ra được 6 tiết mục đạt giải A, 7 tiết mục đạt giải B cùng các giải phụ khác.
Ông  Vương Duy Biên: "Không chỉ VN mà nhiều quốc gia Asean có cùng nỗi lo bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Nếu thế hệ chúng ta không lo chấn hưng, thế hệ con cháu sau này sẽ chẳng còn gì cả."

Liên hoan là dịp để các nghệ nhân cùng gặp gỡ và trau dồi về nghệ thuật múa rối dân gian, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của múa rối dân gian. Xung quanh liên hoan này, Hải Hạnh - phóng viên VOH, đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan, để biết thêm thông tin cũng như những phương hướng sắp tới về công tác bảo tồn các bộ môn nghệ thuật dân gian nói chung.

PV: Thưa ông, với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất, ông đánh giá như thế nào về chất lượng của liên hoan lần đầu tiên này?

Ông Vương Duy Biên: Đây là một môn nghệ thuật truyền thống nên cần tổ chức để động viên các phường có ý thức, nguồn cảm hứng để giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Trên mục tiêu chung đó, liên hoan đã tạo được nhận thức trong công chúng và toàn xã hội. Đó là phần tạo được bản sắc văn hóa của VN. Sau liên hoan lần này sẽ đặt ra các nhiệm vụ tiếp theo như: sẽ định kỳ tổ chức liên hoan như thế nào, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các phường múa rối ra sao để cùng nhau bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật truyền thống này.

PV: Năm nay chúng ta mới tổ chức Liên hoan múa rối dân gian lần thứ nhất trong khi loại hình nghệ thuật này thì đã xuất hiện từ rất lâu đời, liệu có quá trễ để cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống múa rối trong thời hiện đại ngày nay?

Ông Vương Duy Biên: Trước đây chúng ta cũng đã từng tổ chức những liên hoan rồi nhưng quy mô còn riêng lẻ. Qua những lần đó ta rút ra được rằng nên đứng ra tổ chức riêng cho họ một liên hoan để đánh giá tương quan phù hợp hơn và các phương rối dân gian với các người hát múa rối chuyên nghiệp, cái điều kiện nó cũng rất khác nhau nên đánh giá sẽ thiếu sự công bằng và chính xác.

PV: Được biết là sẽ có một đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Qua đề án này chúng ta kỳ vọng như thế nào về tương lai đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống?

Ông Vương Duy Biên.
 

Ông Vương Duy Biên: Tôi cũng dành nhiều tâm huyết cho đề án này bỡi không riêng rối nước mà tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, đờn ca tài tử... tất cả đều là bản sắc văn hóa nên phải đầu tư quan tâm. Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, sự quan tâm đầu tư của nhà nước là điều kiện tiên quyết nhất và cần được quán triệt từ TW đến địa phương. Chính quyền địa phương rất quan trọng. Chủ trương ở trên thế rồi nhưng chính quyền ở dưới không thống nhất chỉ đạo sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật ở địa phương.

PV: Múa rối dân gian thực sự chưa được phổ biến lắm như các loại hình nghệ thuật khác, theo ông thì cần làm gì để loại hình nghệ thuật này đi vào sinh hoạt thường nhật của người dân?

Ông Vương Duy Biên: Múa rối dân gian có một may mắn là có được một lực lượng đông đảo khán giả nhỏ tuổi. Tôi nghĩ rằng, nếu biết cách làm như kết hợp với Bộ GD&ĐT để đưa vào nhà trường hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa để giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có múa rối, thì các em nhỏ sẽ rất hào hứng với câu chuyện kể của cuộc sống ngày hôm nay, dùng cách biểu hiện bằng nghệ thuật múa rối nước hoặc múa rối cạn thì đều hay và có tác dụng. Vấn đề là điều kiện kinh tế của chúng ta có thể làm được điều đó không? Đây là điều mà một mình Bộ VHTT&DL không làm được. Điều này cần phải có sự kết hợp liên ngành, có sự quan tâm của TW, địa phương nữa thì mới có thể giới thiệu rộng rãi hơn nghệ thuật múa rối với công chúng nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Xin cảm ơn ông!

Quý vị có thể nghe lại nội dung cuộc trao đổi sau đây.

 
Bình luận