Bộ phim đưa ra nhiều cứ liệu lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng không thể chối cãi của dân tộc Việt Nam. Với tâm huyết cho bộ phim tài liệu này, nhà biên kịch - đạo diễn Lê Phong Lan dành cho phóng viên VOH cuộc trao đổi.
* VOH: Đạo diễn cho biết hoàn cảnh ra đời của bộ phim này?
Đạo diễn biên kịch Lê Phong Lan: Khi giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải của nước ta đã gây cho nhân dân VN và những người có tình yêu đối với Tổ Quốc rất căng thẳng. Lúc đó tôi đang làm bộ phim khác nhưng tôi dừng lại và thực hiện ngay bộ phim Biển đông dậy sóng. Nhiều người cho rằng bộ phim này khó làm và tương đối nhạy cảm nhưng tôi nghĩ rằng tất cả những gì bộ phim trình bày thì nó không có gì nhạy cảm cả, bởi vì nó có hết sẵn trong lịch sử. Đó là câu chuyện chân thật. Những gì chúng ta đã trải qua, đã có với lịch sử thì tự nhiên nó đến. Khi bộ phim phát sóng trên VTV, rất nhiều khán giả ủng hộ, họ viết thư viết email cho tôi, đó là cách chúng ta thẳng thắn đưa ra quan điểm với Trung Quốc.
* VOH: Bộ phim có trích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đồng bằng là nhà, biển là cửa. Muốn giữ nhà phải giữ cửa trước”. Vậy bộ phim này đưa ra những cứ liệu lịch sử gì để khẳng định điều đó ?
Đạo diễn biên kịch Lê Phong Lan: Các nhà lịch sử, nhà nghiên cứu ở VN và trên thế giới đều khẳng định vào thế kỷ 17 cha ông chúng ta đã đến lập nghiệp, khẳng định chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì thế từ thế kỷ thứ 17, cha ông ta đã đến khai phá những vùng đảo trên biển Đông làm bờ cõi và thấy rằng nơi sinh tồn của người Việt chính là biển, 3.200 km bờ biển chính là cửa biển, cửa nhà của chúng ta. Đây là câu nói nổi tiếng của Bác Hồ, tầm nhìn của Bác trong giai đoạn khi đất nước mới dành độc lập.
* VOH: Bộ phim tài liệu Biển đông dậy sóng có thể nói là những thước phim quý, chứa đựng rất nhiều tài liệu lịch sử bằng hình ảnh. Ekip làm phim đã tìm hiểu và sử dụng những tư liệu này như thế nào?
Đạo diễn biên kịch Lê Phong Lan: Chúng ta có rất nhiều cứ liệu lịch sử, nhưng vì chỉ có 3 tập nên không thể đưa hết vào. Nhưng tôi cố gắng đưa những cứ liệu lịch sử nào xác đáng nhất, gần nhất và có cơ sở khoa học nhất để chúng ta nhìn thấy những di sản của cha ông chúng ta phải bảo vệ và có cơ sở pháp lý để đấu tranh với quốc tế…
* VOH: Kết thúc bộ phim một câu hỏi đặt ra “Vì sao nước biển mặn và có lẽ ko ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa, mặn như máu vì máu đã đổ ở Trường Sa”. Với thông điệp này, bà nghĩ rằng bộ phim của mình sẽ lay động được trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ hôm nay ?
Đạo diễn biên kịch Lê Phong Lan: Tôi nghĩ rằng dù có bộ phim hay không thì thế hệ trẻ vẫn tiếp bước cha ông và nhận thức điều đó rất sâu sắc. Trong lịch sử, máu đã đổ ở Trường Sa rồi và thông điệp của chúng tôi là máu đã đổ nhưng thế hệ hôm nay vẫn sẽ giữ Trường Sa cho đất nước.
* VOH: Cám ơn bà!