Chờ...

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015

(VOH) - Tối 6/11 Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 sẽ chính thức khai mạc tại nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát Nón Lá) TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Không khí trước giờ khai mạc đang nhộn nhịp và nóng hẳn lên với sự hội tụ của gần 2.000 diễn viên về TP xinh đẹp này.

Một cảnh trong vở diễn của đoàn cải lương Cao Văn Lầu-Bạc Liêu, chuẩn bị tham dự Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 (ảnh: vhttdlkv3.gov.vn)

27 đơn vị nghệ thuật cả công lập và xã hội hóa sẽ mang đến một buổi tiệc nghệ thuật thịnh soạn với 36 vở diễn. Xung quanh công tác chuẩn bị cho cuộc thi cũng như những chương trình trong suốt 18 ngày diễn ra cuộc thi sẽ được gửi đến bạn đọc qua phần trao đổi ngắn giữa phóng viên Đài TNND TPHCM với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng cục nghệ thuật biểu diễn – Phó trưởng ban chỉ đạo thường trực cuộc thi.

*  VOH: Không khí của cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc đang rất nhộn nhịp, tối ngày 6/11 cuộc thi này sẽ chính thức khai mạc, ông có thể chia sẻ thêm về những thông tin của cuộc thi cũng như những nét mới của cuộc thi năm nay so vơi những năm trước.

Ông Nguyễn Đăng Chương: Trong lịch sử các cuộc thi liên hoan nghệ thuật, đặc biệt là đối với nghệ thuật truyền thống chưa có cuộc thi nào mà nhiều đơn vị nghệ thuật và nhiều vở diễn tham dự như lần này. Điều thứ 2  là trong cuộc thi này ban tổ chức không giới hạn các đề tài: lịch sử, giả sử, dân gian, hiện đại kể cả thể tài như: Chính kịch, hài kịch, tâm lý, xã hội đều được tham gia để làm sao đó mục tiêu của chúng tôi là muốn có đời sống của nghệ thuật cải lương đa dạng phong phú về thể loại và thể tài để đưa đến cho nhân dân những món ăn bổ ích.

Về góc độ tinh thần để người thưởng thức cảm nhận rằng sân khấu cải lương là 1 bộ môn, 1 loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn đứng vững trong đời sống xã hội hiện đại và vẫn chuyển tải tới khán giả những thông điệp, đóng góp cho con người, cho xã hội ngày hôm nay bằng chức năng của văn hóa nghệ thuật.

Ngoài ra trong cuộc thi này chúng tôi cũng điều động 1 số đơn vị nghệ thuật lựa chọn 1 số tác phẩm để đi biểu diễn phục vụ nhân dân 5 huyện ở tỉnh Bạc Liêu.

*VOH: Ước tính sẽ có khoảng bao nhiêu diễn viên về hội ngộ tại TP Bạc Liêu, về các vở diễn qua phúc khảo ông nhận thấy chất lượng như thế nào?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Tại cuộc thi lần này thì có gần 2.000 diễn viên của 27 đơn vị nghệ thuật về hội tụ tại Bạc Liêu với nhiều vở diễn tôi cho là sẽ lôi cuốn được khán giả. Tôi nghĩ hoạt động này mang ý nghĩa kể cả góc độ quản lý ở trung ương cho đến địa phương, đặc biệt hơn nữa là khi hội tụ về mảnh đất ấy thì các nghệ sĩ được tìm hiểu, giao lưu, vì nhiều người cũng chưa biết bản vọng cổ ngày xưa như thế nào, đến đó tìm hiểu giao lưu sẽ biết.

Rồi đến viếng thăm khu mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, rồi tìm hiểu bản vọng cổ ấy trong quá trình hình thành phát triển để đi đến hoạt động đờn ca tài tử rồi tiến đến nghệ thuật cải lương ra sao để từ đó các nghệ sĩ hiểu và yêu thêm nghệ thuật cải lương mà mình đang theo đuổi. Rồi từ đó có khát vọng cống hiến nhiều hơn, tạo ra được những sản phẩm nghệ thuật tốt hơn, đạt chất lượng cao hơn phục vụ nhân dân.

* VOH: Về công tác quảng bá phục vụ cho cuộc thi cũng như giới thiệu đến các khán giả được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Tôi tin tưởng rằng khán giả sẽ đến rất đông, cục nghệ thuật biểu diễn cũng đã đề nghị với ban tổ chức của sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu bố trí 1 màn hình lớn tại quảng trường lớn của nhà hát để phục vụ quần chúng nhân dân dân. Bởi vì chúng tôi lường được sức chứa của nhà hát Cao Văn Lầu không đủ để cho khán giả vào. Và tất cả các buổi thi chúng tôi mở cửa tự do để phục vụ nhân dân của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

* VOH: Ông sẽ gửi lời gì đến với các diễn viên trước khi họ chuẩn bị cống hiến những vai diễn đến với khán giả. Đặc biệt là các diễn viên trẻ vì chúng tôi biết năm nay có nhiều đơn vị nghệ thuật đưa các diễn viên trẻ đến tham dự cuộc thi như là 1 cách để các em được thử sức mình?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Tôi chỉ muốn gửi gấm đến các diễn viên, khi mình đã theo nghiệp diễn thì hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Sinh vì nghề, tử vì nghề là câu mà ông bà đã nói, vậy tôi mong các bạn hãy làm hết mình bằng khả năng, chinh phục khán giả bằng tài năng, bằng vai diễn. Hãy đến cuộc thi bằng niềm tin bằng khát vọng, bằng khát khao sáng tạo, bằng niềm vui, tâm huyết cống hiến hết mình cho sự phát triển của văn học nghệ thuật.

* Cảm ơn ông.

Bình luận