Chờ...

Đầu tư du lịch đường sông: Kỳ vọng diện mạo mới cho TP.HCM

(VOH) - Là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất cả nước với hàng trăm điểm tham quan, du lịch thú vị, TP.HCM đang là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Sở hữu những lợi thế về hệ thống kênh ngòi dày đặc, kết nối nhiều quận - huyện và điểm du lịch cảnh quan đặc trưng, việc phát triển du lịch đường sông TPHCM không chỉ góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, thu hút du khách, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho chính người dân thành phố.
TP.HCM sở hữu hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc, kết nối hầu hết khu vực trung tâm của thành phố với các quận huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận (Ảnh: Khiêm Huân)

TP.HCM - thành phố bên sông

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch TP.HCM, năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu đến bằng đường bộ và đường hàng không. Trong khi du lịch mua sắm, hội nghị, hội thảo phát triển mạnh thì du lịch đường sông vẫn chỉ thu hút lượng khách khá khiêm tốn dù đã có hơn 30 doanh nghiệp lữ hành lớn nhỏ khai thác hình thức du lịch này.

Để đa dạng hóa loại hình du lịch, thu hút du khách, tiến tới đổi mới các chương trình du lịch, TP.HCM đã đề ra Chiến lược phát triển du lịch đường sông giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 với việc đầu tư đến 11.000 tỉ đồng (trong đó có 10.000 tỉ đồng xã hội hóa, phần còn lại là từ ngân sách) cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận chuyển du lịch đường sông; đa dạng hóa sản phẩm du lịch tiềm năng cũng như thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, Thành phố đã và đang xây dựng 5 luồng tuyến chính trong quy hoạch giao thông đường thủy trong giai đoạn 2010 – 2020 như: tuyến nội đô từ Bạch Đằng đi các hướng trong nội thành, tuyến phía Tây từ Bạch Đằng đến Củ Chi, tuyến phía Bắc từ Bạch Đằng đến Hội Sơn (Q.9), tuyến phía Đông từ Bạch Đằng đến Cần Giờ và tuyến phía Nam từ Bạch Đằng đến cảng Phú Định.

Bên cạnh đó, Thành phố dự kiến xây dựng, cải tạo 50 bến đón tàu, cầu tàu và kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 9.

Trong năm 2014, thành phố sẽ xây dựng 7 bến, ở các địa điểm Vàm Thuật, Phú Xuân (huyện Nhà Bè); Bến Bình Đông, bến ở khu vực chùa Long Hoa (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé – Q.8); bến ở khu vực chùa Hoa Sơn (Q.9) và hai bến ở khu vực huyện Cần Giờ là bến ở địa điểm Ban Quản lý rừng Cần Giờ và khu vực Cần Thạnh. Còn lại 4 bến dự kiến xây dựng trong năm 2015.

Có thể nói, cùng với Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa và chiến lược đầu tư phát triển du lịch đường sông, không lâu nữa sông Sài Gòn và cảnh quan hai bên bờ sông sẽ được cải tạo một cách triệt để và khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Từ đó, không chỉ khách du lịch mà chính người dân thành phố sẽ được thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên xanh sạch và trong lành của sông Sài Gòn.

Chờ đợi tín hiệu vui từ các nhà đầu tư

TP.HCM có hệ thống kênh rạch, sông ngòi nằm giữa lòng thành phố với chiều dài hàng chục km, kết nối hầu hết khu vực trung tâm của thành phố với các quận - huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận. Hơn nữa, thành phố cũng là nơi dừng chân của nhiều tuyến tàu biển quốc tế và là cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để đẩy nhanh các hoạt động phát triển du lịch đường sông, mới đây, TP.HCM đã chuyển giao mặt bằng bến Bạch Đằng (Q.1) cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) xây dựng thành cảng du lịch, đồng thời khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến do đơn vị này quản lý như Bình Quới 1, 2, 3 và Tân Cảng hay bến thuyền tại khu vực Cresent Mall (Q.7)...

Cùng với việc xây dựng các bến đỗ phục vụ du lịch đường sông, thành phố cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhiều bến tàu, cầu tàu tại quận 1, 8, 9, huyện Củ Chi, Cần Giờ...

Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch TP.HCM, dự kiến, tháng 4/2014, ngành Du lịch TP.HCM sẽ tham gia Singapore Yacht Show 2014 tại Singapore để quảng bá cho du lịch đường sông. Đây là dịp để cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ với đối tác cũng như giới thiệu về du lịch đường thủy của TP.HCM. Đồng thời, kêu gọi hợp tác, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch.

Nếu chiến lược này được triển khai hiệu quả, dự kiến đến năm 2020 du lịch đường sông sẽ trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM. Khi đó, vấn đề vệ sinh môi trường sẽ được giải quyết và người dân thành phố hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng sông Sài Gòn sẽ là một dòng sông taxi phục vụ văn hóa và du lịch, với hệ thống bến tàu, bến thuyền cùng những công viên cây xanh uốn lượng đôi bờ;... Đó là một bộ mặt đô thị hấp dẫn với các hoạt động du lịch đường thủy phát triển.

Bình luận