Chờ...

Tết Đoan Ngọ - Tết diệt sâu bọ

(VOH) - Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan nghĩa là bắt đầu, Ngọ chỉ giờ Ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều) và vì thế, chúng ta thường ăn tết Đoan Ngọ vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất, trùng với ngày hạ chí.

Tết Đoan Ngọ là dịp quan trọng thứ hai trong năm, sau tết Nguyên đán. Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Nửa năm, Tết Đoan dương, Tết Trùng ngũ, Tết diệt sâu bọ…

Bánh ú nước tro được xem là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền nam. Ảnh: NĐT

Theo phong tục, Tết Đoan Ngọ còn là dịp mọi người ăn tết với gia đình. Vào buổi sáng, người ta ăn bánh tro, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ, người ta ăn rượu nếp tức thì sau khi ngủ dậy. 

Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ". Ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người dân ở ven biển thì  đúng giờ Ngọ thường đi tắm biển.

Theo quan niệm dân gian, đây là ngày có khí dương mạnh nhất trong năm. Do đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là còn được xem là ngày Tết diệt sâu bọ - ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng. Đây là ngày Tết có nhiều tục lệ gắn kết vói đời sống của người dân. Do đó, con cháu dù có đi làm ăn xa cũng thu xếp về để sum họp gia đình.

Ở miền Bắc, ngày này các gia đình thường làm các món từ vịt. Cũng bởi quan niệm “diệt sâu bọ”, chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này. Các chợ ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ thường nhộn nhịp việc mua bán vịt sống.

Riêng ở miền Nam, bánh ú nước tro được xem là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ. Những chiếc bánh ú nước tro được buộc thành từng chùm bày bán ở các chợ vào sáng sớm. Thông thường, chúng rất ít khi được bày bán, đặc biệt chỉ vào dịp Tết Đoan Ngọ, chúng mới được bán rộng rãi để mọi người mua về cúng tổ tiên, ông bà. 

Theo thời gian, cuộc sống ngày càng hiện đại phát triển, người Việt ta vẫn ăn Tết mùng 5 tháng 5 nhưng có phần đơn giản, không cầu kỳ như trước. Đây vẫn là một ngày Tết được người Việt coi trọng hàng năm vì tính nhân văn của nó.

Bình luận