Đề cập đến vấn đề này, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức tọa đàm 2 kỳ do phóng viên Ngọc Bích thực hiện.
Trẻ em mê mẩn đọc truyện shin cậu bé bút chì (Ảnh: Lan Hương)
Nhắc đến văn học thiếu nhi (VHTN), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đó là mảnh đất còn thiếu vắng những tác phẩm hay, đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Có ý kiến nhận xét rằng: các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam không nhiều trên kệ sách, các em thì còn xa lạ với tác phẩm văn học nước nhà và tác giả viết cho thiếu nhi thì dần dần chuyển hướng sáng tác. Đó có phải là thực trạng của Văn học thiếu nhi ở TPHCM? Phải chăng tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam đang trong tình trạng thiếu vắng? Mời quí bạn đọc đến với kỳ 1 cuộc tọa đàm: "Thiếu nhưng có chất!"
Khách mời cuộc tọa đàm là Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền – nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Việt Nam, nhà văn viết cho thiếu nhi Trần Quốc Toàn và nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa, người được giải nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi năm 2015 do NXB Kim Đồng và Hội nhà văn Đan Mạch tổ chức.
* VOH: Xin bắt đầu tọa đàm với câu hỏi đó là viết cho thiếu nhi có khó không?
- Trần Quốc Toàn: Viết cho thiếu nhi rất khó vì viết về thiếu nhi của mình thì xa thiếu nhi đương đại. Còn viết về các em đúng đời sống hiện nay thì nhà văn không có điều kiện thâm nhập thực tế. Viết cho thiếu nhi tác giả hay sa vào chỗ là viết lại tuổi thơ của mình mà không viết về các em. Đó là cái khó và người mà vượt qua được cái khó đó là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
- Nhà văn Kim Hòa: Con mắt nhìn của người lớn nhiều khi áp đặt con mắt nhìn của mình trên tác phẩm dẫn đến tác phẩm khi các em đọc lên xa quá. Về phần tôi có một lớp học nhỏ ở nhà nên có điều kiện tiếp xúc với các em nhiều hơn nên khi mình viết thì mình tách mình ra khỏi tác phẩm nhiều hơn để các tác phẩm đến gần với các em hơn.
TS Bùi Thanh Truyền: Ở góc độ của người giảng dạy nghiên cứu văn học thì tôi thấy viết cho người lớn thì người viết có thể làm duyên làm dáng với ngòi bút, có mặt nạ tác giả đậy lại. Nhưng viết cho trẻ em thì luôn luôn thực, trung thực đến tận đáy.
Chính vì thế càng xa sân ga tuổi trẻ cho nên khó viết cho thiếu nhi là vậy. Chính vì thế không thể cùng lúc sống lại hoàn toàn với thời tuổi thơ trong trẻo tinh nguyên của mình được. Tôi rất phục những nhà văn viết cho thiếu nhi, đặc biệt là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
* VOH: Như vậy thì VHTN thành phố trong những năm qua cũng có những cái khó, cái thiếu đúng không thưa TS Bùi Thanh Truyền?
- TS. Bùi Thanh Truyền: trước đây người ta nói VH thiếu nhi thì người ta sẽ nhắc đến miền Bắc mà trung tâm là Hà Nội. Nhưng hiện nay, địa bàn có sự dịch chuyển, có một sự cân bằng trở lại. Điều này thể hiện ở chỗ là nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi uy tín tại TPHCM như nhà văn Đặng Hấn, nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà văn Cao Xuân Sơn, nhà văn Trần Mạnh Hảo mà đặc biệt là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Theo tôi thì tôi thấy Văn học thiếu nhi ở TPHCM có một sức vóc, đang trên đà để vươn lên và chinh phục độc giả, đặc biệt là các em nhỏ.
- NV Trần Quốc Toàn: Nhìn về VHTN cả 2 phía người đọc và người viết ở TPHCM thì tôi luôn lạc quan. Sách cho các em là có nhưng cách chúng ta tổ chức như thế nào để cho các em phải đọc các tác phẩm văn học. Ở các lứa tuổi đều có các tác phẩm hay được các nhà chuyên môn đánh giá. Tôi lấy ví dụ vừa rồi chị Nguyên Hương đoạt giải sách hay với bộ 8 quyển Cổ tích mới.
VHTN đang nằm ở TPHCM, ngoài lực lượng thì còn là những tác phẩm có giá trị cao. Ngoài việc là địa phương thu hút được lực lượng viết đông đảo, thu hút nhiều nguồn, lực lượng tại chỗ, anh em ngoài Bắc vào sau 1975, lực lượng mới đào tạo, thành tựu này rất cao.
TS Bùi Thanh Truyền: Tôi xin bổ sung thêm ý kiến với nhà văn Trầm Quốc Toàn. Đó là TPHCM như một trung tâm mà vây xung quanh là những vệ tinh mà những vệ tinh này có nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi có uy tín, được giải thưởng cao.
Ví dụ ở Đồng Nai có Nguyễn Thái Hải, Tây Ninh có Trần Hoàng Vy, miền tây Nam bộ có Nguyễn Ngọc Tư, Mai Bửu Minh, Võ Diệu Thanh, Bà Rịa Vũng Tàu có Văn Thành Lê, Ninh Thuận có nhà văn Kim Hòa.
* VOH: Nếu nhắc đến chỉ có Nguyễn Nhật Ánh. Nguyễn Nhật Ánh là hiện tượng nhưng như vậy chưa đủ. Nhà văn Trần Quốc Toàn từng nói là viết cho thiếu nhi vừa khó hay, khó viết, khó có độc giả.
- Trần Quốc Toàn: Các em thiếu nhi đọc sách của chúng tôi – những nhà văn Việt Nam thì chúng tôi rất mừng. Chúng tôi cũng mong muốn các em đọc các sách nước ngoài nữa. Để cho việc đọc của các em tích cực hơn, vui vẻ hơn thì đừng "đóng đinh" văn chương vào các quyển sách.
Văn chương hiện nay phải hợp đồng thể loại, hợp đồng các phương tiện. Văn chương hiện nay cần chuyển dần sang văn minh nghe nhìn. Ví dụ như tôi là người làm thơ nữa, nhưng khó in tập thơ nhưng nếu tôi viết nó thành kịch bản truyền hình và biến thành liên khúc thì chính âm nhạc đưa thơ đến các em rất dễ.
* VOH: Tôi nhớ cách đây mấy năm có bạn Đỗ Tú Cường viết rất nhiều, rất tốt nhưng những năm gần đây thì không thấy nữa.
- Trần Quốc Toàn: Chúng tôi rất tiếc là không có sự thu hút của người làm sách nên một số người đã bỏ công việc mình đã làm khá thuận tay. Với Đỗ Tú Cường, tôi đã có phát biểu là sẽ giới thiệu cậu ấy vào Hội nhà văn khi cậu ấy 14 tuổi.
14 tuổi đã là tác giả của mấy trăm truyện in báo nhưng đến giờ thì không viết gì nữa. Giả sử như Đỗ Tú Cường được NXB nào đó coi như là mầm móng để làm ra tác phẩm cho mình nuôi dưỡng từ đó giờ thì ta có một Nguyễn Nhật Ánh thứ 2 chăng. Nhắc lại Đỗ Tú Cường là niềm tiếc nuối cho người viết văn TPHCM.
- TS Bùi Thanh Truyền: Tài năng Văn chương thiếu nhi ngay từ thời thời tiểu học hay trung học cơ sở nhiều khi các em cũng khá cô đơn. Gia đình không cổ vũ, không định hướng, nhà trường cũng không chăm chút. Có một nghiên cứu mới của trung tâm nghiên cứu VHTN của Hà Nội người ta chỉ ra một con số giật mình là gần 80% giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học, không đọc sách, nhất là sách văn học. 85% phụ huynh không biết gì vế sách.
Phụ huynh là người gần nhất, giáo viên là người định hướng học, đọc mà như thế thì làm sao có thể chăm chút cho các em được. Chính vì thế, tài năng không gặp môi trường thuận tiện dần dần cũng thui chột đi.
* VOH: Qua phần trao đổi của các chuyên gia, nhà văn thì bạn đọc cũng thấy rằng VHTN thành phố đã có những chuyển mình tích cực dù còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết để cho ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm hay đưa đến cho các em. Vậy sẽ có hướng đi như thế nào để VHTN thành phố có lối ra, mời quí bạn đọc đón nghe phần 2 của tọa đàm.