Header-01
Đăng nhập

"TP.HCM góc nhìn mới từ những dòng kênh"

(VOH) - Với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền thành phố sau 20 năm cải tạo, nạo vét, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã mang lại một sắc thái mới cho đô thị thành phố.

Có nằm mơ cũng không ngờ có một ngày từ chính dòng kênh hôi thối, bị ô nhiễm nghiêm trọng của hơn 20 năm trước, nay lại được sử dụng làm du lịch đường thủy nội đô như một "đặc sản" du lịch của TP.HCM.

Dòng kênh không chỉ hồi sinh mà đang được kỳ vọng là sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố. Đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm du lịch, ý nghĩa của nó còn lớn hơn rất nhiều, đánh dấu chặng đường dài đầy gian nan để khắc phục những thiệt hại về môi trường và cũng để nhắc nhở người dân thành phố về ý thức bảo vệ môi trường cho toàn dòng kênh.

img thumbXem toàn màn hình

Dọc tuyến kênh này khách có thể ngắm một số danh thắng như ngôi chùa Vạn Thọ, Hải Đức… Ảnh: trithuctructuyen

"Vạn sự khởi đầu nan" để hoạt động du lịch quanh tuyến kênh này được hiệu quả thì cũng còn nhiều việc để làm. Với tọa đàm: Làm thế nào để khai thác hiệu quả tour du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè? cùng hai vị khách mời tham gia là ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch HĐ thành viên Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn và ông Đỗ Nguyên Phương, Trưởng phòng phát triển sản phẩm Công ty du lịch Đường mòn châu Á.

* VOH: Tham gia tour khảo sát, ông đánh giá như thế nào?

Ông Đỗ Nguyên Phương: Trước hết, đối với tôi đây là điều ngạc nhiên, thú vị khi nhìn thấy những người phụ nữ mặc áo dài xanh, nón lá, chèo những chiếc thuyền phụng rất có duyên và khi đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì có thời gian cảm nhận cuộc sống chậm lại, quan sát đời sống Sài Gòn với một cái nhìn mới, ở một góc độ khác.

Tuy nhiên, chúng ta đang xây dựng một sản phẩm du lịch trên một con kênh mà trước đây rất ô nhiễm và đi xuyên một khu vực chưa được xem là điểm nhấn trong bản đồ du lịch của thành phố. Đối với khách của chúng tôi, chủ yếu là thị trường Âu – Mỹ, trong hành trình xuyên Việt, họ có thể đi thuyền ở nhiều nơi như Hạ Long, Tam Cốc (Ninh Bình), Phong Nha, Huế, Hội An và dĩ nhiên là cả miền Tây. Họ đã khám phá những khung cảnh kỳ vĩ, những phố cổ di sản, những dòng sông thơ mộng của đời sống sông nước miệt vườn miền Tây. Vậy thì, sản phẩm du lịch đường thủy nội đô, Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè phải định vị sức hấp dẫn nổi bật hơn và riêng có thì khách mới quan tâm được.

* VOH: Đây là một sản phẩm mới, lạ trong tour du lịch nội đô, chính vì vậy nó hứa hẹn rất hấp dẫn nhưng giá thành tôi thấy rất cao, 110.000 – 220.000 đồng, tùy thuyền phụng hoặc thuyền chèo. Vì sao giá lại cao như vậy ?

Ông Phan Xuân Anh: Khi xây dựng sản phẩm này rồi chúng tôi có tham khảo toàn bộ giá cả tại các địa phương, đặc biệt là các quốc gia lân cận. Riêng mình, mình chèo gần 5km. Thứ hai nữa là nhân lực để chèo thuyền, họ không đơn giản chỉ là người chèo mà chúng tôi đào tạo 3 trong 1. Họ phải có ngoại ngữ để nói chuyện với khách, họ biết thuyết minh về lịch sử dòng kênh và những điểm nhấn nằm trên kênh. Thuyền cũng đầu tư với giá rất cao. Giá này bao gồm nước uống, trái cây, nghe nhạc, có thuế và đặc biệt là có hoa hồng nữa.

* VOH: Với giá này, các công ty có đưa vào gói City tour cho du khách được hay không?

Ông Đỗ Nguyên Phương: Là người làm sản phẩm đối với khách của công ty chúng tôi là khách Âu – Mỹ thì giá của đối tác không phải là câu hỏi mà chúng tôi cân nhắc đầu tiên mà đôi khi lại ủng hộ giá cao. Tuy nhiên, điều chúng tôi quan tâm hơn là giá trị của sự trải nghiệm. Vậy thì chúng tôi phải nghiên cứu cách nghiên cứu để đưa trải nghiệm này vào City tour như thế nào thật hợp lý, rồi lúc đó chúng tôi quay trở lại thảo luận với đối tác cung cấp dịch vụ để điều chỉnh lại trải nghiệm và lúc đó thì giá cả chúng tôi sẽ bàn sau.

img thumb

Ảnh: trithuctructuyen

* VOH: Thời gian tới, công ty Thuyền Sài Gòn có đổi mới nào trên tour đường thủy du lịch nội đô dựa trên ý kiến khách hàng và các công ty trực tiếp khai thác dòng khách cho tour này?

Ông Phan Xuân Anh: Trước hết xin cảm ơn những góp ý của người dân cho dự án này. Tôi cũng nhận được những thắc mắc là sao không mặc áo bà ba Nam Bộ mà lại mặc áo dài? Tại vì không ai lại làm cùng một sản phẩm của miền Tây để cạnh tranh với miền Tây thì tội nnghiệp quá, mà Sài Gòn có nét riêng của nó và tôi chọn cái riêng. Hay ví dụ như sao không dùng thuyền rồng? – Không được, thuyền rồng là của Huế, của Hạ Long rồi. Mảnh đất miền Nam mình hiền hòa lắm, mình dùng thuyền phụng đi. Chim phụng dễ thương lắm! Đó, ví dụ như thế. Ý kiến của bà con hay lắm, những thắc mắc hoàn  toàn đúng, tuy nhiên đứng ở góc độ kinh doanh chúng tôi cũng tính toán làm sao cho hợp. Chúng tôi cần phải có thời gian để suy nghĩ và cần nhiều ý kiến đóng góp của người dân thành phố. Đặc biệt, giúp chúng tôi làm sao đừng có rác. Nếu không có rác, không có phóng uế hai bên bờ thì đây là sản phẩm tuyệt vời. Từ đoạn mà chúng tôi quyết định khai thác trên đó có 9 chiếc cầu. Một con số 9 tròn trịa và rất đẹp.

* VOH: Về những yếu tố như thêm các sản phẩm văn hóa, ẩm thực dân gian trên tour này cũng có nhiều điều đáng bàn ?

Ông Đỗ Nguyên Phương: Vâng, tôi cũng có cảm nhận như thế. Thứ nhất, cũng cảm ơn nỗ lực của công ty đã tổ chức một sự ngạc nhiên thú vị trên dòng kênh. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là một phần đời sống chân thực hàng ngày trên sông. Chúng ta có cảm giác như nó được dàn dựng và trong bối cảnh đó thì có vẻ hơi lạc lõng. Dĩ nhiên, có một chút âm nhạc vừa là truyền thống như đờn ca tài tử, một chút ghita và saxophone của đời sống hiện đại thể hiện sức sống Sài Gòn là điều thú vị nhưng chúng ta cần tìm những trải nghiệm mang tính thường xuyên, là bản chất của cuộc sống trên con kênh đó hơn.

Ông Phan Xuân Anh: Trước hết, vì sao chúng tôi có những trạm ca nhạc trên kênh như vậy. Khởi đầu hành trình chúng tôi dùng nhạc hơi phương Tây và mạnh mẽ một chút để cho vui và nhộn nhịp, còn về cuối chính là Nam bộ. Tại sao chúng tôi bố trí như vậy, vì chúng tôi lựa đoạn sông không có gì ở hai bên, tức là cảnh trí đơn điệu thì mình mới đưa âm nhạc vào.

img thumb

Chiếc thuyền sẽ được người lái thuyền chèo ngược xuôi theo dòng kênh, đưa du khách thưởng ngoạn khung cảnh thành phố kết hợp với thưởng thức âm nhạc dân tộc. Ảnh: trithuctructuyen

* VOH: Chúng ta nên thêm những điểm nhấn nào nữa trên hành trình này?

Ông Đỗ Nguyên Phương: Theo tôi, du khách ngày nay rất cần những trải nghiệm thâm nhập đời sống địa phương. Một hai chiếc thuyền chơi nhạc như vậy là thú vị nhưng vẫn chưa tự nhiên và chưa phải là một phần của đời sống thường ngày trên kênh Nhiêu Lộc. Cho nên tôi nghĩ cần tìm thêm những điểm dừng kết hợp với thức ăn vặt đường phố - stress food. Và nếu chúng ta tìm được một điểm dừng dọc bờ kênh đó mà khách có thể ghé lên chút xíu, thưởng thức một vài món, thậm chí đi vệ sinh nữa. Tại vì đôi khi một tiếng rưỡi đồng hồ người ta cũng cần một điểm khẩn cấp như vậy.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, hai bên bờ kênh nên có cái gì chứ nếu đi mà chỉ nhìn thấy bê-tông thì cũng chán lắm. Chúng ta có thể đưa yếu tố nghệ thuật vào, bố trí những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt dùng bằng vật liệu tái chế, cũng có thể vớt lên từ bờ kênh ấy để tuyên truyền bảo vệ môi trường, cũng như cách mà chúng ta đã cứu dòng kênh Nhiêu Lộc như thế nào.

Thứ hai nữa, khi tôi đi trên thuyền qua những gầm cầu, như anh Xuân Anh nói có 9 chiếc cầu trên đoạn đường này. Tôi thấy, đang đi ở ngoài rất trống vắng nhưng khi thuyền qua các gầm cầu, tôi thấy trở nên trầm mặc lại, có nét gì đó chợt tĩnh lặng. Tôi nghĩ rằng, nếu như chỉ nhìn thấy không gian u tối thì rất là chán, nhưng chúng ta có thể đưa nghệ thuật vào đấy. Hãy đưa một chủ đề cho các sinh viên nghệ thuật vẽ Grafiti ở đây (Graffiti - một loại hình nghệ thuật công cộng – pv). Mỗi cây cầu là một chương trong lộ trình đó. 9 cây cầy sẽ có chúng ta 9 câu chuyện về thành phố, về sức sống của dòng kênh này. Tôi nghĩ vẽ Graffiti dưới chân cầu cũng không phá vỡ cảnh quan, cũng không có gì mạo hiểm cả mà chỉ có người đi thuyền mới có được đặc quyền để xem những tác phẩm ấy. Kết nối tất cả những điểm nhấn lại xuyên suốt thì một tiếng rưỡi chèo thuyền mới là một tiếng rưỡi nghe kể chuyện và trải nghiệm một cách chân thực.

* VOH: Cảm ơn hai ông đã tham gia tọa đàm.

Bình luận