Header-01
Đăng nhập

Vũ Hạnh: Đời văn và chiến sĩ

(VOH) - Ngày 05/10, tại Hội trường Thành phố đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tuyển tập Vũ Hạnh - Đời văn, Chiến sĩ”.

Tọa đàm do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn TP phối hợp tổ chức nhằm chào mừng nhà văn Vũ Hạnh thượng thọ 90 tuổi và ra mắt bộ sách Tuyển tập Vũ Hạnh do Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM xuất bản và phát hành.

img thumbXem toàn màn hình

Nhà văn Vũ Hạnh ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: TNO

Biểu tượng của tinh thần yêu nước

Với gần 30 bài tham luận chính thức của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ; buổi tọa đàm đã góp phần phân tích và khẳng định những giá trị tư tưởng - văn hóa - lịch sử - văn học trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh và những đóng góp của ông đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa dân tộc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1925 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng từ hồi Nhật đảo chính Pháp vào năm 1945 và là một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng văn học yêu nước ở đô thị miền Nam trước năm 1975. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: truyện ngắn Bút máu, truyện dài Lửa rừng, tiểu thuyết Cô gái Xà Niêng, công trình lý luận Đọc lại Truyện Kiều,... đặc biệt là tác phẩm Người Việt cao quý với bút danh A. Pazzi... Vũ Hạnh đã trở thành một cái tên lừng lẫy của làng văn, làng báo Sài Gòn như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, bảo vệ văn hoá dân tộc.

“Mỗi chúng ta đều có thể nhận thấy: Vũ Hạnh là một nhà văn đa tài. Ông vừa viết tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký; vừa viết tiểu luận, phê bình. Nhưng ở thể loại nào, cây bút Vũ Hạnh đều tỏ ra sung sức, sắc sảo. Riêng trong lĩnh vực tiểu luận, phê bình; Vũ Hạnh cũng đã để lại rất nhiều tác phẩm, đề cập hầu hết những vấn đề cơ bản về lý luận văn nghệ, gắn với đời sống văn nghệ miền Nam”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TW, nhận định.

Nhà văn Vũ Hạnh từng được giao nhiều trọng trách như: Tổng thư ký Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc từ năm 1966, Tổng thư ký Hội Văn nghệ TPHCM sau ngày đất nước thống nhất,... và hiện nay là ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương và TPHCM. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác. Nhấn mạnh về những đóng góp quan trọng của nhà văn, chiến sĩ Vũ Hạnh trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc Việt Nam dưới chế độ Mỹ - Ngụy ở đô thị miền Nam từ năm 1954-1975, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết: "Vũ Hạnh chiến đấu và sáng tác ngay trong lòng địch. Ông đã bị chính quyền Sài Gòn cũ bắt giam năm lần và đã thể hiện rõ khí tiết cách mạng của mình. Có thể khẳng định, Vũ Hạnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người cán bộ cách mạng hoạt động đơn tuyến. Trên bình diện văn hóa, văn học; nhà văn Vũ Hạnh đã tạo được dấu ấn riêng, được công chúng và giới trí thức đánh giá cao. Với nhiệt huyết cách mạng, với vốn kiến thức phong phú và năng lực bút chiến sắc sảo, Vũ Hạnh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về tính chiến đấu, sự kiên định và lý tưởng cách mạng qua những hoạt động văn hóa yêu nước trong lòng đô thị miền Nam trước giải phóng 30/4”.

Là tấm gương cho thế hệ nhà văn trẻ học tập

Bên cạnh sự cảm phục tài năng, văn phong tài hoa, ngòi bút sắc bén, các nhà nghiên cứu và các văn nghệ sĩ đều dành cho nhà văn Vũ Hạnh sự yêu quí, kính trọng vì sự chan hòa, dễ hòa đồng và đức độ của một nhà văn lớn. Giá trị nhân văn trong các tác phẩm của ông đáng để cho những nhà văn trẻ và các thế hệ đi sau học tập, noi theo. “Cảm nhận sâu sắc của tôi về nhà văn Vũ Hạnh đó là thái độ của ông dành cho những nhà văn nữ, những nhà văn trẻ như chúng tôi - đó là thái độ hết sức chân tình, trân trọng, trân quí và ông luôn khuyến khích chúng tôi viết giống như tinh thần của tác phẩm “Người Việt cao quí” của ông. Ông đọc những gì mà tôi đưa cũng như khuyến khích, song hành cùng tôi trong quá trình viết lách, điều đó đã làm cho tôi thấy mình được chia sẻ bởi một nhà văn lớn, từ đó tự tin và hăng hái hơn để viết ra những tác phẩm mà mình ấp ủ”, nhà văn Trầm Hương chia sẻ thêm.

Với nhà văn Vũ Hạnh thì hai thành tố “đời văn” và”chiến sĩ” đã hòa thành một thể thống nhất. Ở vào cái tuổi 90 “xưa nay hiếm”, sức khỏe tuy đã yếu dần nhưng ông vẫn luôn kiên định với con đường lý tưởng mà mình đã chọn: yêu nước, thương dân, sẵn sàng dấn thân vì lẽ phải và sự công bằng. Nhìn lại sự nghiệp phong phú và sôi động của mình, Vũ Hạnh chia sẻ rằng đó chỉ đơn giản là bổn phận của một người dân, một người cầm bút trước những hi sinh, mất mát quá lớn lao của dân tộc. Ông bày tỏ niềm xúc động trước những tình cảm của đồng nghiệp và các văn nghệ sĩ dành cho mình trong buổi hội ngộ và ra mắt tuyển tập của đời văn: “Từ xưa đến nay tôi đã cố gắng làm hết sức mình, làm tròn bổn phận của một người công dân và không có đòi hỏi hay yêu cầu khen thưởng gì hết bởi vì tôi luôn nghĩ đến các thế hệ đã nằm xuống mà không đòi hỏi gì cả, đó là những anh hùng liệt sĩ. Tôi rất cảm động và tôi cũng không ngờ là có được niềm vui lớn như vậy. Tôi cám ơn Thành ủy cũng như những tình cảm mà tất cả anh chị em văn nghệ sĩ đã dành cho tôi”.

“Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác

Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng

Chín mươi mùa xuân - Một chặng đường bút mực

Chất ngọc dâng đời giá trị sống của cha ông”.

Đó là 4 câu thơ của Hội Nhà văn TP.HCM gắn liền với tên những tác phẩm nổi tiếng của Vũ Hạnh để chúc mừng thượng thọ 90 tuổi của ông. Chúc cho nhà văn, người chiến sĩ văn hóa Vũ Hạnh luôn mạnh khoẻ, dồi dào sinh lực lẫn bút lực, tiếp tục có nhiều cống hiến quý báu cho nền văn học và văn hóa Việt Nam.

Bình luận