Chờ...

Xây dựng thương hiệu và vị thế của điện ảnh Việt Nam

(VOH) - Gần 15 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam có nhiều cơ hội để khẳng định vị thế của mình. Tại hội thảo "Xây dựng thương hiệu, vị thế của điện ảnh VN" trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, các đại biểu khẳng định, xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt chính là phải sáng tạo thường xuyên và có tính bền vững, khẳng định giá trị dân tộc nhân văn và sáng tạo.

Điện ảnh Việt Nam có hơn 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. “Điện ảnh Việt Nam” trong chiến tranh cách mạng, thống nhất đất nước có vị thế nhất định trên trường quốc tế bằng chính những tác phẩm của mình. Tuy nhiên, hiện nay với sự cạnh tranh của một số nước có nền điện ảnh hùng mạnh như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc thì điện ảnh Việt thua ngay trên sân nhà chứ đừng nói mang ra thị trường quốc tế.

Phim hay đếm trên đầu ngón tay

Trong 5 năm qua, khi chính sách hỗ trợ xã hội hóa được ban hành thì điện ảnh VN trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trung bình mỗi năm sản xuất từ 25-30 bộ phim nhựa của nhiều hãng phim nhà nước và tư nhân. Riêng năm 2015 sản xuất được 40 phim. Không ít những phim này thu hút đông đảo công chúng ở nhiều tầng lớp khán giả, nhiều lứa tuổi khác nhau. Cá biệt có những bộ phim đoạt doanh số kỷ lục phòng vé như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, trong 3 tuần phát hành thu về gần 70 tỉ đồng. Đây là con số đáng mừng nhưng cũng chỉ là trường hợp cá biệt. Điện ảnh Việt vẫn thiếu ổn định về chất lượng.

Thật khó để tìm ra những tác phẩm “để đời” được đánh giá cao ở trong nước và quốc tế. Một vài cái tên đơn lẻ không thể xây dựng một thương hiệu quốc gia cho phim VN, vì vậy vị thế, thương hiệu phim Việt còn khá bấp bênh và không bền vững. Tiến sĩ Ngô Phương Lan- Cục trưởng cục điện ảnh khẳng định: “Nói đến thương hiệu thì phải gắn đến thị trường, bây giờ đề cập hơi muộn nhưng đúng dịp. Trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh, chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều cụm từ giá trị tác phẩm điện ảnh và giá trị của phim đặt hàng sẽ có hiệu quả về kinh tế xã hội”.

Xây dựng thương hiệu chính là việc phải sáng tạo thường xuyên, liên tục và có tính bền vững, khẳng định được giá trị dân tộc nhân văn. Tuy vậy, điện ảnh Việt hiện nay phát triển theo kiểu tự do mà không định hướng rõ ràng, nhiều phim mang đề tài hài, nhảm tràn ngập các rạp chiếu; những phim nghệ thuật, phim chiến tranh cách mạng lại không có đường ra rạp.

“Tôi nghĩ cách làm phim lịch sử của chúng ta như phim bom tấn thì rất khó với kinh phí của VN. Tôi nghĩ lịch sử VN rất phong phú, quan trọng là thể hiện thế nào vì phim lịch sử sẽ đáp ứng được yêu cầu đưa ra, đậm đà bản sắc dân tộc. Với khác biệt của phim lịch sử chúng ta có thể dễ dàng hội nhập với thế giới”, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc nói.

Sáng tạo để xây dựng thương hiệu

Để xây dựng thương hiệu phải cần chính sách khuyến khích để đầu tư sáng tạo. Mỗi năm, các hãng phim nhà nước chỉ chờ kinh phí rót xuống thực hiện từ 3-5 bộ phim, chủ yếu là đề tài tuyên truyền, phục vụ lễ kỷ niệm và không thu lại được kinh phí bỏ ra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Vụ Kế hoạch tài chính - Trưởng phòng dịch vụ công - thì rất đáng tiếc khi có những kịch bản phim hay nhưng không được duyệt sản xuất vì không phù hợp tiêu chí, những nhà sản xuất tư nhân giỏi nhưng không thể tham gia đấu thầu. Vậy nên cần thay đổi nhận thức để nhà nước, tư nhân cùng bắt tay cho ra tác phẩm vừa nghệ thuật vừa thu hồi được vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Bích nói: “Phát triển thương hiệu Việt phải theo đúng quy luật vận động của nền kinh tế thị trường, chúng ta không xác định được nền kinh tế thị trường đầy đủ trong lĩnh vực sản xuất phim, chúng ta vẫn từ chỗ nọ kéo chỗ kia mà đòi có phim hay thì không bao giờ được”.

Một cảnh quay đẹp trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - Ảnh: TTO.

Rất cần nhà nước hỗ trợ mạnh hơn nữa

Gần đây, nhiều phim tạo được hiệu ứng rất tốt khi khai thác hình ảnh tuyệt đẹp tại các địa danh nổi tiếng trong nước. Đơn cử như bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” lấy bối cảnh tại Ninh Bình, “Chuyện của Pao” tại vùng Tây Bắc, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại Phú Yên. Sau khi những phim này khuấy đảo phòng vé thì lập tức du khách tìm kiếm những “phim trường” đó để thăm quan. Nhưng để chuyên nghiệp hóa thì cần rất nhiều thời gian và phải biết nắm bắt thời cơ.

Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc Vidotour - đơn vị hợp tác quảng bá và xúc tiến Du lịch qua điện ảnh - khẳng định, điện ảnh là đòn bẩy cho du lịch: “Năm 2016, tin vui là Cục Điện ảnh có kế hoạch thực hiện nhiều phim gắn với sản phẩm du lịch để chiếu ở các hội nghị, liên hoan phim. Đồng thời, Tổng cục Du lịch sẽ làm việc với Cục Điện ảnh để chọn những hình ảnh tiêu biểu giới thiệu cho hãng phim nước ngoài, mời gọi họ đến làm phim. Đó là định hướng thiết thực nhất !”.

Nhiều ý kiến từ các nhà sản xuất tư nhân mong muốn Nhà nước hỗ trợ tích cực hơn đối với những phim tư nhân mang ra thị trường quốc tế. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc sản xuất công ty BHD đưa ra những khó khăn khi đơn vị phải “tự bơi” để giới thiệu phim ở nước ngoài. Bà Hiền cho biết “ra mắt" phim trong nước chỉ mất từ 5.000 đến 7.000 đô, nhưng tại nước ngoài số tiền gấp 10 lần. Có nhiều phim bán cũng rất khó, như phim hài - ở VN thu về rất cao nhưng mang ra nước ngoài giới thiệu thì họ không hiểu văn hóa, có những lúc hài thoại, dịch ra cũng không hiểu.

Thực tế, hầu hết các phim của hãng phim tư nhân muốn bán ra nước ngoài thì phải tự bỏ tiền quảng bá, mỗi phim một kiểu mà không ai giống ai. Muốn xây dựng vị thế phim Việt chuyên nghiệp, Nhà nước cần chủ động giúp đỡ, định hướng một cách rõ ràng để tránh trường hợp “tự thân vận động” như thời gian qua.

Không thể quy định hay ép buộc ai đó nghĩ về Thương hiệu Việt khi bắt tay thực hiện một tác phẩm, mà ý thức của mỗi người chính là một mảnh ghép hình thành nhận thức chung để thương hiệu điện ảnh Việt giá trị và độc đáo.

Bình luận