Đường Sách TPHCM - Nơi ươm mầm, lan toả thói quen và tình yêu với sách!

(VOH) - Trong 5 năm, đường Sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt được hơn 180 tỷ đồng; với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra...

Sáng 5/1, tại Hội trường Thành Đoàn, Hội Xuất bản Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức buổi toạ đàm “Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh – Nhìn lại chặng đường 5 năm”.

Trong 5 năm, đường Sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt được hơn 180 tỷ đồng; với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới. Từ năm 2016 đến 2019 hoạt động kinh doanh của các đơn vị tăng trưởng đều đặn và ổn định, doanh thu bình quân mỗi năm tăng khoảng 10-15%/năm. Đến năm 2020, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và thu nhập của người dân cũng bị giảm sút rất nhiều nên các chỉ số kinh doanh tại Đường Sách bị sụt giảm, so với năm 2019 doanh thu năm 2020 giảm 28%, số bản sách giảm 37%, số tựa sách mới giảm 40% và lượt khách tới Đường Sách cũng giảm 42%.

Ngoài ra Đường Sách trong 5 năm qua cũng đã tổ chức gần 1.200 sự kiện với các loại hình hoạt động ngày càng đa dạng, được đầu tư vào chiều sâu, góp phần gia tăng lượng bạn đọc đến Đường Sách để tìm mua sách và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hoá.

Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh-voh.com.vn
Toạ đàm “Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh – Nhìn lại chặng đường 5 năm”

Ông Dương Thành Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết, Đường Sách Thành phố đã trở thành một địa chỉ văn hoá du lịch đáng tự hào của thành phố, và đã ghi tên mình vào tâm trí của cộng đồng. "Gọi là tâm trí của cộng đồng bởi vì nó đã trở thành địa chỉ trong lòng rất nhiều bạn trẻ, không chỉ các bạn trẻ mà có nhiều gia đình, nhiều thế hệ, mà còn của những tác giả, những người bằng lao động khoa học nghệ thuật của mình mong muốn được đến với công chúng, mà còn của du khách trong nước và nước ngoài. Tôi cho rằng cái hay nhất của Đường Sách chính là sự ra đời, sự thành công của Đường Sách đã trở thành một cú hích thúc đẩy sự phát triển văn hoá đọc", ông Truyền đánh giá.

Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Đường Sách Thành phố, Đường Sách trong tương lai sẽ nằm trong một khoảng đường đi bộ được mở rộng, đã được định vị là một trong những địa điểm nằm trong không gian những di sản kiến trúc của thành phố, tương lai của Đường Sách cần nhìn xa hơn nữa để trong nhận thức mọi người phải nhìn nhận và bảo tồn ngay từ bây giờ, bằng cách mở một nhà lưu giữ các ký ức của Đường Sách để người dân hiểu được về nó. "Một bảo tàng mini của Đường Sách, du khách đến với Đường Sách và khách nước ngoài đến Đường Sách, người ta hiểu được quá trình phát triển của một di sản giá trị của Đường Sách. Tôi vẫn thấy rằng là lãnh đạo Thành phố đã gây dựng nên, đã đồng thuận cho việc đình hình Đường Sách, thì cần phải cùng với Hội Xuất bản phải chăm chút thêm cho Đường Sách, phải đầu tư hơn nữa cho Đường Sách, để nó là di sản văn hoá của Thành phố", Tiến sĩ Nguyệt đề nghị.

Còn ông Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hoá Phương Nam cho rằng có một con đường sách ở Thành phố Hồ Chí Minh là điều hết sức tuyệt vời. "Đường Sách đã tạo ra một cú hích mà cú hích này rất lớn, mạnh để cho văn hoá đọc lan toả, mà điển hình như Phương Nam, là lúc Đường Sách thành công hầu như các tỉnh thành, các đơn vị đều mời Phương Nam tới để làm thành phố sách, làm đường sách, làm công viên sách…nói chung rất là nhiều. Phải nói rằng Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi Phương Nam tham gia thành công nhất về mặt xã hội và cả về mặt kinh tế", ông Hoạt cho biết.

Trong suốt 5 năm qua, Đường Sách đã là điểm đến thân thiện không chỉ của người dân Thành phố mà đã lan toả niềm say mê tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các nhà xuất bản, nhiều sự kiện về văn hoá đọc, văn học nghệ thuật, các cuộc giao lưu giới thiệu tác phẩm, tác giả và các cuộc giao lưu văn hoá vùng miền, trong nước và quốc tế. Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Sự ra đời của Đường Sách là thành quả của sự đồng thuận giữa “Ý Đảng lòng Dân” về việc tạo dựng một không gian văn hoá đọc, là nơi phục vụ và thoả mãn nhu cầu văn hoá tinh thần của cư dân Thành phố và du khách, nơi thưởng lãm đậm nét văn hoá của người Thành phố sau những giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ hội…Đặc biệt Đường Sách còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm lưu truyền và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc thông qua ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật sân khấu, nhiếp ảnh, hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc… Nhiều trường học, cơ sở giáo dục, với đồng đảo học sinh, sinh viên cũng chọn đến đây để học tập vui chơi giải trí, tiếp cận với sách, tham gia các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng và hình thành thói quen đọc sách."

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn là nơi ươm mầm, lan toả thói quen và tình yêu với sách, xứng đáng với niềm tự hào của những người làm công tác xuất bản, niềm tin yêu của người dân Thành phố và cả nước về điểm đến của không gian văn hoá đọc, không gian của tri thức, văn hoá – văn minh, hiện đại – nghĩa tình.

Bình luận