Lễ Vu Lan, một trong những lễ hội lớn nhất của Phật giáo Việt Nam, luôn mang trong mình ý nghĩa sâu sắc về lòng hiếu thảo. Tại các ngôi chùa như lớn như Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc tự , và Xá Lợi,… hàng ngàn người dân đã đến để thắp nén nhang thơm, thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ - cả những người còn sống và đã khuất. Những tiếng tụng kinh, tiếng mõ vang lên, hoà quyện cùng mùi hương tỏa khắp không gian, tạo nên bầu không khí linh thiêng, thanh tịnh.




Năm nay, với sự tổ chức quy mô và chu đáo từ các ban ngành thành phố, Lễ Vu Lan tại TPHCM càng thêm phần ý nghĩa. Tại các ngôi chùa lớn, nhiều hoạt động phật sự như phóng sinh, cúng dường, và các buổi giảng pháp về hiếu đạo đã diễn ra, thu hút sự tham gia của đông đảo Phật tử.
Điểm nhấn của mùa lễ là Lễ bông hồng cài áo, nơi từng người con được cài lên ngực mình những bông hồng đỏ thắm nếu còn mẹ, và bông hồng trắng nếu mẹ đã khuất. Khoảnh khắc ấy đã khiến không ít người xúc động, nước mắt lăn dài khi nghĩ về đấng sinh thành.



Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống đô thị, Lễ Vu Lan năm nay không chỉ là dịp để mỗi người con báo hiếu cha mẹ, mà còn là cơ hội để vun đắp tình cảm gia đình, gắn kết các thế hệ. Nhiều gia đình đã cùng nhau đi lễ chùa, cùng nhau ngồi lại bên mâm cơm ấm cúng, chia sẻ những câu chuyện xưa cũ, để rồi thêm hiểu, thêm thương.





Lễ Vu Lan không chỉ là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, mà còn là dịp để người dân TPHCM, đặc biệt là giới trẻ, tìm về với cội nguồn, trân trọng những giá trị truyền thống dân tộc.