"Trên bến dưới thuyền" tái hiện chợ nổi miền Tây tại Bến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè

VOH - Trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ hai năm 2024, không gian "Trên bến dưới thuyền" tại Bến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách và người dân thành phố.

Không gian "Trên bến dưới thuyền" không chỉ nhằm tái hiện không gian chợ nổi miền Tây Nam Bộ xưa, mà còn giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền đến với mọi người.

Sự kiện này được thiết kế nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, và bản sắc văn hóa đặc trưng của TPHCM. Đồng thời, nó khai thác tối ưu giá trị hệ thống sông ngòi, kênh rạch của thành phố với nhiều sản phẩm du lịch đường thủy hấp dẫn và mới lạ.

Phần "dưới thuyền" tái hiện chợ nổi miền Tây với các thuyền giới thiệu những món ẩm thực, trái cây và bánh dân gian Nam Bộ. Trên sân khấu nổi, các buổi tối diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ miễn phí như đờn ca tài tử, cải lương và nhạc acoustic, mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách.

Không gian 'Trên bến dưới thuyền' tại Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với các đơn vị xây dựng một loạt các hoạt động hấp dẫn tại không gian "Trên bến dưới thuyền". Du khách có thể trải nghiệm dịch vụ ăn uống trên sông, tham quan nhiều gian hàng trưng bày nông sản, đặc sản và ẩm thực vùng miền. Các hoạt động văn hóa như vẽ tranh, nặn tò he cũng được tổ chức, mang lại những giây phút thú vị cho người tham gia.

Đặc biệt, trên thuyền còn có các gian hàng đồ thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường như lá, thân và vỏ của cây dừa. Du khách còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình chế tác sản phẩm này cùng các nghệ nhân. Ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn các trang phục truyền thống của người dân Nam Bộ như áo bà ba, khăn rằn để du khách có thể mặc chụp hình check-in và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

TREN BEN DUOI THUYEN.00_03_50_04.Still004
Bến thuyền tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: TL

TPHCM vốn là một đô thị ven sông, không chỉ gắn liền với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, truyền thống và hiện đại, dân tộc và hội nhập quốc tế. Dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng, bến thuyền, phố chợ và làng nghề đã hình thành và phát triển nhộn nhịp, tạo nên đặc trưng vốn có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

TREN BEN DUOI THUYEN.00_04_10_22.Still003
Du khách trên thuyền tại lễ hội - Ảnh: TL

 

TREN BEN DUOI THUYEN.00_04_21_20.Still001
Các nghệ nhân làm quà lưu niệm làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường như lá, thân và vỏ của cây dừa - Ảnh: TL

Hoạt động "Trên bến dưới thuyền" không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của TPHCM mà còn là một phần quan trọng của nếp sống, văn hóa và di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá. Ngoài ra, hoạt động này còn mang ý nghĩa đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế và du lịch từ hệ thống tài nguyên sông nước trên địa bàn thành phố, hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.

Bình luận