Tự hào tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh

VOH - Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012.

Quyết định nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng".

11 năm trôi qua, càng khẳng định giá trị đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tự hào tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh 1
Đoàn dâng hương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các vua Hùng. Sáng 29/4, Đoàn khởi hành từ sân trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng - Ảnh: VGP

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.    

Hàng ngàn đời nay, truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà. Nên mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã, đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Ngàn, Phó giám đốc bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là phong tục tập quán của cả nước Việt Nam, được hệ thống hóa bằng nghị định 145/2013 quy định về tổ chức các ngày lễ.

Bây giờ ngày lễ này đã trong tiềm thức của mỗi người, khi UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khẳng định giá trị đó. Qua đó phát huy được việc giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ, gắn kết người Việt Nam trong tỉnh Phú Thọ, trong cả nước và người Việt trên thế giới”.

Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Từ huyền thoại "bọc trăm trứng", thấm thía hơn hai tiếng "đồng bào", không chỉ là 54 dân tộc anh em mà còn gắn kết hàng ngàn công dân Việt đang sinh sống ở rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, vẫn luôn hướng về nguồn cội.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thể được hiểu như ký ức tập thể, kỷ niệm chung của người Việt về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao, là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bình luận